Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở cuối nguồn sông Mê Công, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của nước ta. Đây là vùng được đánh giá là một trong ba đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Do áp lực từ việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội sẽ kéo theo hàng loạt những thách thức tại vùng ĐBSCL như gia tăng lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn vào sâu, khai thác nước quá mức, môi trường nước và suy giảm đa dạng sinh học,… Điều này đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.
Ảnh minh họa.
Tài nguyên nước nước dưới đất và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong các vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất nước ta, có 9 tầng chứa nước, gồm 8 tầng chứa nước trong các trầm tích lỗ hổng và 1 tầng chứa nước trong đá gốc nứt nẻ. Tiềm năng nước dưới đất nhạt là 22.513.989 m3/ngày. Tiềm năng nước dưới đất mặn là 39.124.326 m3/ngày. Trữ lượng có thể khai thác an toàn của nguồn NDĐ bằng 20% tổng trữ lượng khai thác tiềm năng NDĐ nhạt (tức là bằng 4.502.597m3/ngày). Tầng chứa nước qp2-3 đã bị khai thác quá mức an toàn. Tầng chứa nước n21 còn có thể khai thác 925.172 m3/ngày được coi là tầng chứa nước có khả năng khai thác lớn nhất.
Tầng chứa nước qp2-3 và tầng n22 là những tầng có trữ lượng cũng như số lượng lỗ khoan lớn phân bố tập trung như Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu (tầng qp2-3), Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp (tầng n22). Trên bản đồ ranh giới mặn nhạt và vùng có nguy cơ xâm nhập mặn có thể thấy ở tầng qp2-3 các khu vực như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu đang có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Trong khi đó thì tất cả diện tích nước nhạt trong tầng n22 đều có nguy cơ bị xâm nhập mặn tấn công trong tương lai.
Ở những vùng nông thôn, hầu như gia đình nào cũng có 1 giếng khoan, có hộ có 3 – 4 giếng. Các lỗ khoan khai thác nước dưới đất đơn lẻ ngày càng gia tăng không kiểm soát để bù đắp lượng nước thiếu hụt do hạn, mặn. Cùng với các nhu cầu cho ăn uống, sinh hoạt, thì nhu cầu cho nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng rất rõ ràng khi diện tích trồng lúa hiện nay có xu hướng giảm nhưng nhu cầu sử dụng nước tưới lúa vẫn cao. Nhu cầu sử dụng nước cho nuôi trồng thủy sản rất lớn lên tới 41.481.612 m3/ngày. Do nhu cầu sử dụng tăng nên người dân sẽ giữ nước trong ao, hồ, đầm để nuôi trồng. Điều này làm nước không lưu động nên gây ảnh hưởng xấu tới xâm nhập mặn. Ngoài ra, nước trên mặt còn thấm xuyên xuống nước ngầm. Về nhu cầu sử dụng nước cho chăn nuôi gia súc, gia cầm không lớn, đạt 438.695 m3/ngày, tuy nhiên, cũng có ảnh hưởng tới xâm nhập mặn thậm chí, chăn nuôi còn ảnh hưởng xấu tới chất lượng nước nếu không xử lý tốt chất thải do chăn nuôi thải ra. … Chính vì vậy, nhu cầu của nông nghiệp với việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng ảnh hưởng nhiều tới xâm nhập mặn.
Do mức độ khai thác nước ngày càng tăng cả về số lượng công trình, quy mô khai thác, nhất là trong khoảng 15 năm trở lại đây. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn nước dưới đất trong vùng, nhất là các khu vực tập trung công trình khai thác lớn.
Giải pháp khai thác hạn chế xâm nhập mặn nước dưới đất vùng ĐBSCL
Tài nguyên nước – nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế – xã hội, ĐBSCL trong tương lai – đã, đang và sẽ tiếp tục biến đổi sâu sắc với hướng nêu trên, đòi hỏi phải có những thay đổi căn bản về cách thức quản lý, sử dụng nước để bảo đảm phát triển bền vững ĐBSCL sau này.
– Thay đổi hình thức, khai thác, sử dụng:
+ Những năm trước đây hình thức khai thác lỗ khoan quy mô nhỏ kiểu UNICEF rất phổ biến. Nhưng hiện nay người dân đã không sử dụng nước từ các lỗ khoan loại này, các cấp chính quyền cũng khuyến cáo, hạn chế hoặc cấm không cho khoan thêm lỗ khoan loại này. Vì vậy, trong tương lai hình thức khai thác, sử dụng nước dưới đất loại này trên địa bàn vùng ĐBSCL sẽ không phát triển. Thay vào đó, hình thức khai thác, sử dụng nước dưới đất quy mô tập trung (trạm cấp nước nông thôn) trên địa bàn các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh và rộng rãi.
+ Ngoài ra, hình thức khai thác, sử dụng nước dưới đất quy mô công nghiệp trên địa bàn cũng sẽ hạn chế phát triển, mà thay thế dần bằng hình thức khai thác, sử dụng nước từ các nhà máy nước dùng nguồn nước mặt.
– Quản lý hiệu quả khai thác sử dụng:
Công tác quản lý khai thác sử dụng nguồn tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long là hết sức quan trọng và rất khó khăn, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ và nhất quán từ cơ quan quản lý nhà nước đến địa phương và người dân. Một số giải pháp quản lý khai thác sử dụng cần được áp dụng trong vùng cụ thể như sau:
+ Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước dưới đất.
+ Lập, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch tài nguyên nước dưới đất: hiện tại, 12/13 tỉnh vùng ĐBSCL đã tiến hành lập các dự án qui hoạch tài nguyên nước. Để hỗ trợ thực hiện quy hoạch cần có các quy định, công cụ, chính sách kinh tế, tài chính.
+ Tiến hành lập, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện kế hoạch điều tra cơ bản, điều hòa, phân phối tài nguyên nước dưới đất, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt.
+ Khoanh định, công bố vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng cần bổ sung nhân tạo nước dưới đất, ngưỡng khai thác nước dưới đất. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có tỉnh nào trong số 13 tỉnh ĐBSCL tiến hành việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.
+ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước dưới đất: hiện nay, các Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh đã chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả họat động của bộ máy quản lý tài nguyên môi trường.
– Tổ chức thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản, giám sát tài nguyên nước dưới đất; báo cáo kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất, tình hình quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Cụ thể như: Lập bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ tài nguyên nước dưới đất, chất lượng các nguồn nước dưới đất; Tìm kiếm, đánh giá số lượng và chất lượng các nguồn nước dưới đất; Đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất; Xác định ngưỡng khai thác đối với các tầng chứa nước, khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất; Đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên nước dưới đất, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước dưới đất và các tác hại do nước gây ra; Xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất,…
Để hạn chế xâm nhập mặn nước dưới đất vùng ĐBSCL, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý, ban, ngành địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật về tài nguyên nước cho phù hợp. Đồng thời, xây dựng và vận hành mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước…. Cùng với đó cần phải đổi mới cơ chế điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.