Quy hoạch Tài Nguyên Nước là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã xác định nhiệm vụ cụ thể về quản lý tài nguyên nói chung là “quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia” trong đó “quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý tài nguyên nước” là nhiệm vụ trọng tâm.
Tuy nhiên trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, nhu cầu nước cho dân sinh và sản xuất ngày càng tăng dẫn tới những tác dộng tiêu cực tới môi trường và nguồn nước. Tại nhiều lưu vực tình trạng ô nhiễm đang ngày một nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất. Điển hình là một số lưu vực sông như sông Đồng Nai – Sài Gòn, sông Cầu, sông Đáy.
Do đó cần một bộ công cụ dự báo diễn biến tài nguyên nước giúp các nhà quản lý, lập quy hoạch tài nguyên nước đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên nước hiện nay.
Nghiên cứu cơ sở thực tiễn và điều kiện áp dụng mô hình WEAP phục vụ công tác lập quy hoạch tài nguyên nước (nội dung bảo vệ tài nguyên nước) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý tài nguyên nước. Được áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Đáy.
Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước với chủ nhiệm đề tài Nguyễn Đình Thuấn đã nghiên cứu“Ứng dụng mô hình WEAP dự báo diễn biến chất lượng nước phục vụ cho quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước. Áp dụng thử nghiệm trên lưu vực sông Đáy”.
Đề tài đã tiến hành nghiên cứu phân tích lý thuyết, đánh giá tổng quan các phương pháp, cách tiếp cận và các phần mềm thường được sử dụng trong việc đánh giá dự báo chất lượng nước trên thế giới và Việt Nam; trên cơ sở đó lựa chọn mô hình WEAP để áp dụng dự báo xu thế diễn biến chất lượng nước với 4 chỉ tiêu (BOD5, COD, DO, TSS) trên dòng chính sông Đáy từ đập Đáy đến hết địa phận tỉnh Hà Nam.đề tài đã chia lưu vực sông Đáy thành 6 vùng tính toán để thiết lập bài toán dự báo xu thế diễn biến chất lượng nước cho dòng chính sông Đáy. Trên mỗi vùng tính được thiết lập toán bao gồm: Các nguồn cấp nước(các đoạn, nhánh sông); các nhóm đối tượng khai thác sử dụng nước chính như (sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp, nuôi tròng thủy sản, chăn nuôi); Các dòng chảy hồi quy liên kết nguồn cấp với các đối tượng khai thác, sử dụng và dòng chảy môi trường; Các quý trình vật lý xảy ra trên lưu vực bằng việc kết hợp với mođun mưa – dòng chảy.
WEAP là một công cụ sử dụng đắc lực cho công việc quy hoạch và quản lý tài nguyên nước. Nó được dùng để mô phỏng lượng mưa, dòng chảy cơ bản, bổ cập nước dưới đất từ mưa, phân tích nhu cầu dùng nước theo ngành, bảo vệ tài nguyên nước, ưu tiên phân bổ nước, vận hành các hồ chứa, phát điện, giám sát ô nhiễm và chất lượng nước. Mô hình có thể ứng dụng tốt trong điều kiện, số liệu sẵn có ở trên lưu vực sông Đáy. Từ những công dụng trên việc áp dụng mô hình WEAP để dự báo diễn biến chất lượng nước trên lưu vực sông Đáy là phù hợp. Kết quả tính toán là một nghiên cứu quan trọng phục vụ cho công tác lập quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước.
Nội dung bảo vệ tài nguyên nước có thể áp dụng mô hình Weap tại bước 5, bước 6 chi tiết tại sơ đồ sau:
Đề tài đưa ra các phương án kiểm soát nước thải với từng giai đoạn cụ thể 2015–2020 như sau:
Phương án 1
Trong phương án này, lưu lượng nước thải tăng một cách tất yếu do sự phát triển của dân sinh kinh tế và các họat động có liên quan, tuy nhiên nước thải trước khi xả thải vào hệ thống sông trong khu vực đã được xử lý một phần nhằm hạn chế bớt ảnh hưởng của nước thải đến dòng sông (mức độ xử lý đưa ra là 60%). Mục đích của phương án 2 nhằm: (i) Dự báo chất lượng nước trên lưu vực sông ứng với phương án phát triển kinh tế – xã hội và hành động của con người đối với môi trường; (ii) Đánh giá mức độ ảnh hưởng của nước thải đến chất lượng nước sông trong lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy.
Phương án 2
Lưu lượng nước thải tăng do sự phát triển của dân sinh kinh tế và các hoạt động có liên quan, tuy nhiên nước thải trước khi xả thải vào hệ thống sông trong khu vực đã được xử lý một phần (cao hơn so với phương án 1) nhằm hạn chế bớt ảnh hưởng của nước thải đến dòng sông và đánh giá mức độ ảnh hưởng của nguồn thải đối với chất lượng nước sông (mức độ xử lý đưa ra là 80%).
Phương án 3
Trong phương án này, lượng nước thải được xử lý hoàn toàn đây là phương án tối ưu tuy nhiên việc thực hiện theo phương án này hiện nay với điều kiện ở nước ta là không khả thi, kết quả tính toán cho thấy nồng độ BOD hầu như tại các vị trí đều đạt QCVN 08/2008 loại A2.
Qua đó đề tài đã đánh giá được ảnh hưởng của 2 nguồn thải chính là sinh hoạt và công nghiệp tới diễn biến chất lượng nước trên dòng chính sông đáy. Đây cũng là cơ sở cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quy hoạch trong đó đặc biệt là quy hoạch tài nguyên nước nội dung bảo vệ làm cơ sở để đưa ra các phương án quy hoạch phù hợp nhằm đáp ứng được hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên nước một các bền vững.