Sự cần thiết phải chuẩn hóa nội dung và hình thức của bản đồ tài nguyên nước

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước được xem là một trong những nội dung quan trọng của lĩnh vực tài nguyên môi trường nói chung và trong lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng. Công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước được thực hiện nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về điều kiện địa chất thủy văn, về số lượng, chất lượng và khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất làm cơ sở cho việc lập quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông, vùng lãnh thổ; quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh của quốc gia, ngành, vùng và địa phương.

Bản đồ tài nguyên nước chính là một phương thức hữu hiệu để cụ thể hóa các thông tin đã thu thập được trong quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên nước tại một khu vực cụ thể. Tuy nhiên, do có quá nhiều quy định cũng như những văn bản hướng dẫn khác nhau về việc xây dựng một bộ bản đồ cho công tác này vì vậy việc thể hiện các kết quả điều tra,đánh giá trên bản đồ còn chưa có sự thống nhất cả về nội dung lẫn hình thức.

Để giải quyết vấn đề này, TS Tống Ngọc Thanh đã bắt tay nghiên cứu đề tài mang tên: “Nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ chuẩn trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước” với mục đích đề xuất các phương pháp và cách thể hiện quy chuẩn để xây dựng nên một bộ bản đồ tài nguyên nước đảm bảo tính khoa học và logic trong cách thể hiện và trình bày. Để đáp ứng được mục tiêu nêu trên, đề tài đã xây dựng được các các sản phẩm sau:

Bộ sản phẩm dạng I bao gồm 06 bản đồ mẫu tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất các tỷ lệ 1/200.000, 1/100.000, 1/50.000, 1/25.000 ở các vùng khác nhau;

Bộ sản phẩm dạng II bao gồm 04 hướng dẫn kỹ thuật về điều tra, đánh giá, xây dựng nội dung thông tin, phương pháp thể hiện các nội dung thông tin tài nguyên nước dưới đất, nước mặt các tỷ lệ 1/200.000, 1/100.000, 1/50.000, 1/25.000;

Bộ sản phẩm dạng III bao gồm Báo cáo Tổng hợp kết quả thực hiện đề tài và 13 báo cáo nghiên cứu chuyên đề

Bộ sản phẩm dạng IV là 03 bài báo khoa học được đăng ở tạp chí Tài nguyên – Môi trường.

Qua hai năm nghiên cứu, đề tài đã đáp ứng được mục tiêu ban đầu đề ra, trong đó phải kể đến các kết quả cụ thể như sau:

Đã tổng hợp được nội dung, phương pháp, cách thể hiện các bản đồ tài nguyên nước trên thế giới và ở nước ta theo 2 trường phái từ đó áp dụng vào tình hình cụ thể của từng giai đoạn hiện nay.

Đề xuất được hệ phương pháp, mật độ mạng lưới và điểm điều tra khảo sát khi điều tra, đánh giá tổng quan và sơ bộ tài nguyên nước phục vụ xây dựng bộ bản đồ chuẩn các tỷ lệ.

ban_do_demo

Đề xuất được các loại trữ lượng khi đánh giá tiềm năng nước dưới đất cần xác định ở các giai đoạn điều tra, đánh giá tổng quan và sơ bộ.

Đề xuất được các loại bản đồ TNN cần thành lập theo kết quả điều tra, đánh giá ở các giai đoạn khác nhau. Cụ thể là kết quả điều tra, đánh giá tổng quan cần xây dựng, bản đồ tài liệu thực tế, bản đồ địa chất thủy văn, bản đồ chất lượng nước và bản đồ tài nguyên nước dưới đất theo các tỷ lệ. Ngoài ra cần thành lập thêm bản đồ mức độ tự bảo vệ nước dưới đất tỷ lệ 1/50.000.

Đề xuất được các yêu cầu, nội dung, cách thể hiện về nội dung và hình thức các bản đồ tài nguyên nước mặt, bản đồ tài nguyên nước dưới đất với các tỷ lệ nêu trên.

Có thể nói, đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ bản đồ chuẩn trong công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước” đã mở ra một hướng đi mới trong việc thống nhất bộ bản đồ chuẩn cho công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, góp phần giảm thiểu những sai sót, sự không đồng nhất và bất hợp lý trong cách thể hiện nội dung và hình thức của các loại bản đồ TNN.

Đồng thời kết quả của đề tài này cũng là cơ sở để tham khảo xây dựng nên các bộ bản đồ cho các công tác khác như công tác điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng TNN; Công tác điều tra, đánh giá hiện trạng xả thải vào nguồn nước./.

(Nhâm Nguyễn – TT DLQH&ĐT TNN)