Thái Nguyên là tỉnh nằm trong lưu vực sông (LVS) Cầu, trung bình mỗi năm cung cấp khoảng 3,54 tỷ m3 nước mặt. Tuy nhiên, hiện nay Thái Nguyên đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước và nguồn nước đang bị ô nhiễm.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do phần lớn các nguồn thải từ hoạt động khai khoáng, sản xuất công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi… có chứa chất độc hại như dầu mỡ, kim loại nặng, chất rắn lơ lửng, độ màu, hàm lượng chì (Pb), kẽm (Zn), Asen (As), Cadmi (Cd), đều xả thải trực tiếp vào LVS Cầu với ước tính khoảng 50 triệu m3 nước thải/năm.
Đứng trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã thông qua “Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt giai đoạn 2012 – 2020, định hướng đến năm 2030” và giao cho Liên đoàn QH và điều tra TNN miền Bắc trực thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia thực hiện với mục tiêu lâu dài là quản lý sử dụng hợp lý TNN mặt trên địa bàn tỉnh và ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mặt tỉnh Thái Nguyên. Song song với đó trước tiên cần cân đối nguồn nước mặt cho các nhu cầu ngày càng tăng đối với sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và du lịch trong giai đoạn 2012 – 2020 và đề xuất giải pháp quản lý khai thác và bảo vệ TNN mặt tỉnh Thái Nguyên nhằm đáp ứng mục tiêu bảo vệ TNN mặt đến năm 2020 định hướng 2030, ổn định CLN tại những nơi chưa bị ô nhiễm; Hạn chế phát sinh nguồn thải gây ô nhiễm tại các dòng sông, suối phụ lưu của sông Cầu. Đồng thời, khôi phục và cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái ven sông; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT và triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ tổng thể LVS Cầu.
Lượng nước mưa sinh ra trên toàn tỉnh đạt 5,6 tỷ m3/năm, tính trung bình mỗi km2 là 1,5 triệu m3/km2. TNNM từ các con sông trên tỉnh trung bình năm vào khoảng 2,64 tỷ m3. Như vậy có thể thấy TNN của vùng quy hoạch có nguy cơ nằm trong ngưỡng thiếu nước, thậm chí một số khu vực gần chạm ngưỡng hiếm nước như khu sông Đu, Ngòi Rồng, sông Công và sông Cầu. Xác định được xu thế biến động TNN trên địa bàn tỉnh. Kết quả tính toán cho thấy nhu cầu nước trong giai đoạn tới sẽ tăng nhanh từ 648,83 triệu m3/năm lên 755,61 triệu m3/năm năm 2020 và đến năm 2030 nhu cầu nước sẽ tăng lên 793,18 triệu m3/năm.
Quan trọng nhất, song song cùng với các kế hoạch của các nhà hoạch định và quản lý thì giải pháp cần được ưu tiên đó là các giải pháp về con người. Con người đã tác động một cách phù hợp nhất để giảm thiểu nguồn ô nhiễm, nâng cao chất lượng nước. Các giải pháp đáp ứng cũng đã được đề cập: xây dựng hệ thống thông tin, mạng lưới giám sát chất lượng nước. Giảm thiểu chất thải trong khu công nghiệp, đô thị và nông thôn. Tăng cường công tác quản lý và giám sát, mở rộng tuyên truyền giáo dục xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Cách phân bổ, quy hoạch và các giải pháp được đưa ra sẽ thật khó thực hiện nếu không có sự phối hợp giữa các bên liên quan, giữa các ngành và giữa con người với môi trường. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được nếu bản thân mỗi người có trách nhiệm với mình, với xã hội.
(Hải Lý – TT Dữ liệu QH&ĐT TNN)