Nước là tài nguyên thiên nhiên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Việc quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước là vấn đề cấp bách hiện nay. Trong thời gian qua công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã dần đi vào nền nếp và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về tài nguyên nước từng bước được nâng lên.
Xác định được tầm quan trọng của tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 295/QĐ-UBND thực hiện đề án “Điều tra, khảo sát thu thập thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước phục vụ công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Cơ sở tài liệu chính là toàn bộ kết quả điều tra, khảo sát của đề án và thu thập các thông tin từ các tài liệu đã công bố và phê duyệt trên địa bàn tỉnh bao gồm các tài liệu về kinh tế xã hội, khí tượng thủy văn, hiện trạng khai thác tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tài liệu về địa chất, địa chất thủy văn đã được nghiên cứu từ các giai đoạn trước. Hiện cơ sở dữ liệu tài nguyên nước đã được lập và đang khai thác. Dự án này hoàn thành là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Dự án được thực hiện trên toàn bộ diện tích của tỉnh Quảng Ninh gồm 14 huyện, thị xã, thành phố: gồm 3 thành phố, 1 thị xã và 10 huyện. Diện tích đất tự nhiên là 6.082km2. Toàn bộ kết quả điều tra và thu thập tài liệu đã được chuẩn hóa và cập nhật vào phần mềm cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tỉnh Quảng Ninh, là dữ liệu quan trọng phục vụ tra cứu thông tin và quản lý khai thác sử dụng tài nguyên nước của tỉnh.
+ Đối với tài nguyên nước mặt: Tổng lượng nước mặt trung bình nhiều năm tại các sông lớn là: sông Ka Long: 0.97km3 ; sông Tiên Yên: 1,08km3 ; sông Đá Bạc: 0,63km3 ; sông Ba Chẽ: 0,3km3. Kết quả lấy và phân tích các mẫu nước biển ven bờ cho thấy các chỉ tiêu phân tích tương đối cao, hầu hết đều lớn hơn giới hạn cho phép nhất là các chỉ tiêu như TSS, DO, NH4, S2-, CN–, Pb và dầu mỡ khoáng.
+ Đối với tài nguyên nước dưới đất: Khảo sát trên địa bàn tỉnh có khoảng 286 giếng khoan với tổng lưu lượng khai thác khoảng 12.313 m3/ ngày. Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất toàn vùng là 619.027 m3/ngày. Chất lượng nước dưới đất tương đối tốt, các chỉ tiêu phân tích hầu hết đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09:2008/QĐ-BTNMT.
+ Về vấn đề xam nhập mặn tầng chứa nước: Các ranh giới mặn nhạt không tiến xa vào đất liền như các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ do đặc điểm địa hình, địa chất của tỉnh và chủ yếu chạy dọc theo các khu vực ven biển từ phường Trà Cổ xuống phường Bình Ngọc, kéo lên xã Hải Xuân và qua Vạn Ninh thành phố Móng Cái chạy dọc theo bờ biển tới xã Tân Bình.
Trên cơ sở các thông tin, dữ liệu thu thập và điều tra được về hiện trạng khai thác, sử dụng, xả thải vào nguồn nước cũng như hiện trạng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; dự án đã phân tích, đề xuất các biện pháp quản lý, quy hoạch, bảo vệ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030.
Nhìn chung, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn mà đòi hỏi cần có sự vào cuộc của ngành chức năng và các địa phương. Đặc biệt là ý thức của mọi tầng lớp nhân dân trong việc khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước cần được nâng lên hơn nữa để mang lại hiệu quả cao nhất./.
(Hồng Ngọc – TT Dữ liệu QH&ĐT TNN)