Phát triển bền vững tài nguyên nước mặt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020

Điện Biên được biết đến với thung lũng Mường Thanh, được mọi người nhắc đến với câu “Nhất Thanh nhì  Lò”. Thung lũng Mường Thanh  rộng hơn 150km2, là cánh đồng lớn và nổi tiếng nhất của toàn vùng Tây Bắc, cũng như là vựa lúa của vùng Tây Bắc nên tài nguyên nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đặc biệt là tài nguyên nước mặt – nguồn cấp chính cho các cánh đồng ở Điện Biên

Năm 2012, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc trực thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia – Bộ TNMT đã được giao nhiệm vụ “Lập quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt tỉnh Điện Biên đến năm 2020” nhằm xác định các vấn đề tồn tại trong khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước mặt, qua đó đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước mặt phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020.

Tài nguyên nước mặt chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu sử dụng nước của tỉnh Điện Biên với tỷ lệ 90%, phục vụ cho nhu cầu của tất cả các ngành sinh hoạt, công nghiệp, thủy điện, nông nghiệp, du lịch… Tổng lượng mưa toàn tỉnh đạt 1.661 mm, trong đó mùa mưa là 1.566 mm và mùa khô là 380 mm, tổng lượng dòng chảy hàng năm trên toàn tỉnh Điện Biên là 42,95 tỷ m3/năm. Trong đó nhận từ sông Đà phần ngoại tỉnh là 35,35 tỷ m3/năm, lượng dòng chảy sinh ra trên địa bàn nội tỉnh là 7,60 tỷ m3/năm. Như vậy có thể thấy TNN của vùng quy hoạch có nguy cơ nằm trong ngưỡng thiếu nước về mùa khô, như khu Nậm Rốm, Nậm Hua.

image001

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong giai đoạn tới, gây sức ép lớn lên tài nguyên nước mặt. Với mục tiêu phân bổ và chia sẻ tài nguyên nước mặt hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy môi trường; đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu mùa cạn trên sông, suối; cấp phép khai thác sử dụng nước mặt cho 50% cơ sở đang khai thác sử dụng nước mặt trong diện phải có giấy phép. Phấn đấu đến năm 2030, 100% công trình khai thác nước mặt tập trung đều được kiểm soát khai thác về chất lượng, lưu lượng khai thác, sử dụng…

Theo kết quả tính toán cho thấy nhu cầu nước trong giai đoạn tới sẽ tăng nhanh từ 220,91 triệu m3/năm giai đoạn hiện trạng lên 266,2 triệu m3/năm vào năm 2015 và đến năm 2020 nhu cầu nước sẽ tăng lên 320,72 triệu m3/năm.

Điện Biên xác định ưu tiên cấp nước theo hiệu quả kinh tế sử dụng nước cao nhất; Ưu tiên cấp nước theo mục tiêu ổn định chính trị – xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Việc lập quy hoạch đánh giá tài nguyên nước mặt hiện có cũng như dự báo trong giai đoạn tới giúp cơ quan quản lý tài nguyên nước phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý, hiệu quả và bền vững.

(Hải Lý – TT Dữ liệu QH&ĐT TNN)