Ứng dụng CNTT trong lưu trữ, quản lý và quảng bá thông tin – Hiện trạng và giải pháp

Bộ Tài nguyên và Môi trường là Bộ có ứng dụng Công nghệ thông tin rộng khắp và mạnh mẽ. Với đặc thù là ngành điều tra cơ bản, sản phẩm của ngành chủ yếu là thông tin, vì vậy ứng dụng CNTT vừa là nhu cầu tự thân vừa là phương thúc nâng cao hiệu quả, năng suất công việc. Hiện nay sản phẩm của công tác điều tra, quan trắc, đo đạc.. của ngành cơ bản là trên công nghệ số, với sản phẩm là dữ liệu thông tin khổng lồ của các đối tượng được điều tra, cùng với đó là hàng ngàn đề tài, dự án lớn nhỏ khác nhau về các ngành thuộc tài nguyên và môi trường. Các dạng công tác này đã để lại một khối lượng khổng lồ tài liệu rất có giá trị cho việc khai thác sử dụng một cách lâu dài. Hiện có hai hình thức lưu trữ đối với các dữ liệu, tài liệu kết quả này:

+ Thứ nhất: Lưu trữ các tài liệu kết quả (thuyết minh, báo cáo, bản đồ) dưới dạng giấy (bản cứng) trước đây do Tổng cục Địa chất nay do Cục quản lý tài nguyên nước quản lý. Các dữ liệu, tài liệu này tồn tại riêng lẻ (sổ lưu trữ, file lưu trữ đơn lẻ) mà chưa có hệ thống lưu trữ, quản lý cũng như các công cụ phục vụ công tác truy suất, khai thác các thông tin dữ liệu này.

+ Thứ hai: Xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực tài nguyên nước (Cụ thể ở đây là Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp Tài nguyên và Môi trường quốc gia” – lĩnh vực tài nguyên nước đang được triển khai do Cục Công nghệ và Thông tin – Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì) nhằm số hóa, biên tập, lưu trữ và tra cứu dữ liệu tài nguyên nước.

Trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, có các cơ quan quản lý trực tiếp các vấn đề về tài nguyên nước cũng như quản lý các đề tài, dự án đã và đang thực hiện thuộc lĩnh vực tài nguyên nước như Trung tâm thông tin – kinh tế tài nguyên nước thuộc Cục quản lý tài nguyên nước,Trung tâm Dữ liệu quy hoạch và điều tra tài nguyên nước thuộc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia. Các trung tâm này đều có cổng thông tin điện tử, website trên đó cho phép truy cập, tìm kiếm và liệt kê các đề tài, dự án đã và đang thực hiện trong lĩnh vực tài nguyên nước, nhưng các thông tin có thể tra cứu được mới chỉ là những thông tin cơ bản nhất như tên đề tài, dự án, chủ nhiệm đề tài, dự án, năm thực hiện…và một vài thông tin cơ bản khác.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có một hệ thống hoàn chỉnh nào cung cấp giải pháp lưu trữ, quản lý siêu dữ liệu về các dự án, đề tài thuộc lĩnh vực tài nguyên nước mặc dù về mặt ý tưởng đã có từ lâu. Bên cạnh đó, việc ứng dụng một hệ thống đã có là không khả thi do các đặc trưng khác nhau của từng lĩnh vực và mỗi quốc gia cũng như tính sẵn có (bao gồm cả sản phẩm thương mại) của hệ thống trực tuyến đáp ứng các chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở Việt Nam.

Tóm lại, hiện trạng ứng dụng CNTT trong lưu trữ, quản lý và quảng bá thông tin kết quả các đề tài, dự án ngành Tài nguyên môi trường nói chung, tài nguyên nước nói riêng tại Việt Nam còn mang tính đơn lẻ, thiếu thống nhất, một số hệ thống mang tính chất đặc thù ngành và chưa đáp ứng triệt để nhu cầu khai thác thông tin – phục vụ thiết thực định hướng kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường lĩnh vực tư liệu, thông tin tài nguyên nước.

Từ thực thế trên  chúng ta cần: tổng hợp và phân tích các kết quả chính của từng loại dự án, đề xuất được các mẫu biểu phù hợp phục vụ thu thập thông tin cơ bản dự án tài nguyên nước; Thu thập và tổng hợp thông tin chung các dự án, đề tài, nhiệm vụ lĩnh vực tài nguyên nước đã và đang thực hiện; Xây dựng được hệ thống thông tin trực tuyến lưu trữ và hỗ trợ quản lý khai thác và quảng bácác thông tin đã thu thập;