Một số tác động cơ bản của việc khai thác, sử dụng nước dưới đất:
– Làm hạ thấp mực nước dưới đất: Việc khai thác nước dưới đất tràn lan, không có quy hoạch sẽ làm cho mực nước dưới đất tại khu vực cạn kiệt dần và làm hạ thấp mực nước.
– Ảnh hưởng tới công trình đang khai thác nước dưới đất: Khi một công trình khai thác nước dưới đất đi vào hoạt động thì ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng khá nhanh tới khu vực xung quanh, tác động tới các công trình đang khai thác lân cận làm cho mực nước trong các công trình này bị hạ thấp, do vậy sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình. Khoảng cách giữa các công trình khai thác càng gần nhau thì mực nước hạ thấp càng nhiều.
– Hiện tượng sụt lún do khai thác nước dưới đất: Việc hạ thấp mực nước sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún các lớp đất đá trong tầng chứa nước. Tại tầng đất đá chứa nước, có một lực đẩy Ascimet để nâng các khối đất đá lên; khi khai thác nước làm mực nước hạ thấp thì tầng đất đá này không còn lực đẩy Ascimet nữa và tạo ra lỗ hổng lớn, dẫn tới sụt lún các công trình, gây thiệt hại về kinh tế cũng như tính mạng con người.
– Xâm nhập của nước bẩn và làm biến đổi chất lượng nước: So với nước mặt, nước dưới đất ít bị ô nhiễm hơn. Nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thấm lớn, nước mặt thấm xuống cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước. Ngoài ra, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước làm ô nhiễm nước dưới đất; quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thuỷ lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm … Khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài.