Tỉnh Bắc Giang có 3 tầng chứa nước lỗ hổng trong các trầm tích hệ Đệ tứ, 5 tầng chứa nước khe nứt, khe nứt karst, các thành tạo địa chất rất nghèo nước gồm các thành tạo trong hệ tầng Vĩnh Phúc, hệ tầng Bãi Cháy. Trong đó có 1 tầng chứa nước trung bình là các tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích Đệ tứ qp, còn lại là các tầng chứa nước có mức độ nghèo nước: q, qh, j, t2, d1, ε; tầng chứa nước t3 mức độ chứa nước nghèo nhưng không đồng nhất, có những khoảnh, khu vực gần đứt gãy, đới dập vỡ kiến tạo mức độ chứa nước tương đối phong phú.
– Kết quả đánh giá tài nguyên nước dưới đất cho các tầng chứa nước có khả năng khai thác trong tỉnh Bắc Giang:
+ Tầng chứa nước có trữ lượng nước dưới đất lớn nhất và phân bố rộng nhất trong tỉnh là tầng chứa nước t3, diện tích phân bố 1.929,08km2, với trữ lượng có thể khai thác là 100.500,59m3/ngày, trữ lượng khai thác đã đánh giá trong tầng chứa nước này là trữ lượng cấp C1 2.846,7m3/ngày.
+ Tầng chứa nước qh, trữ lượng có thể khai thác bằng 72.688,72m3/ngày.
+ Tầng chứa nước qp, trữ lượng có thể khai thác bằng 72.051,8m3/ngày, trữ lượng khai thác đã đánh giá là trữ lượng cấp C1 2.263m3/ngày.
+ Tầng chứa nước t2, trữ lượng có thể khai thác bằng 77.592,03m3/ngày.
Huyện Lục Ngạn có khả năng khai thác nước cao nhất trong tỉnh, trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất của huyện là 81.796,86 m3/ngày, các tầng chứa nước có triển vọng khai thác là qh, qp, t3; tiếp theo là huyện Lục Nam với trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất là 57.324,86 m3/ngày. TP Bắc Giang có trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất thấp nhất chỉ có 1.966,81 m3/ngày.
Đánh giá chất lượng nước dưới đất của 8 tầng chứa nước cho thấy: Nước dưới đất các tầng chứa nước chủ yếu là nước nhạt, trong tầng chứa nước qp chỉ phát hiện 1 mẫu nước mặn, tầng chứa nước t3 có khoảnh bị mặn tập trung ở các xã Tân Tiến, Hương Gián, Quỳnh Sơn thuộc huyện Yên Dũng; chất lượng nước dưới đất được đánh giá theo mục đích sinh hoạt quy chuẩn QCVN 09-MT:2015/BTNMT, theo mục đích tưới quy chuẩn QCVN 39:2011/BTNMT. Đánh giá theo mục đích sinh hoạt, tầng chứa nước qp bị nhiễm bẩn Amoni, Nitrit, hàm lượng Clorua, chất rắn tổng hợp cao hơn giới hạn cho phép; tầng chứa nước t3 bị nhiễm bẩn Nitrit, Nitrat, Zn, Cr, E.coli, Coliform, hàm lượng Clorua, chất rắn tổng hợp cao hơn giới hạn cho phép; tầng chứa nước t2 bị nhiễm bẩn Cr, Coliform; tầng chứa nước ɛ có độ pH nằm ngoài giới hạn cho phép. Đánh giá chất lượng nước dưới đất sử dụng cho mục đích tưới cho thấy, tầng chứa nước qp có tổng chất rắn hòa tan, tỷ số hấp phụ Natri, hàm lượng Clorua cao hơn giới hạn cho phép; tầng chứa nước t3 có tổng chất rắn hòa tan, tỷ số hấp phụ Natri, hàm lượng Clorua cao hơn giới hạn cho phép; tầng chứa nước t2 có tỷ số hấp phụ Natri, hàm lượng Crom cao hơn giới hạn cho phép, tầng chứa nước ɛ có tỷ số hấp phụ Natri cao hơn giới hạn cho phép.
Chất lượng nước dưới đất về cơ bản đạt tiêu chuẩn phục vụ cho các mục đích cấp nước. Tuy nhiên cần chú ý hàm lượng độ pH, độ tổng khoáng hóa, độ cứng cao hơn tiêu chuẩn cho phép, vấn đề nhiễm bẩn các hợp chất Nito (NH4+, NO3–, NO2–), sắt, Zn, Cr cao hơn giới hạn cho phép. Các mẫu nước phân tích vi sinh xuất hiện dấu hiệu nhiễm bẩn Coliform.
Để đảm bảo cho nguồn nước dưới đất phát triển bền vững có thể đề xuất khai thác, sử dụng thêm từ nguồn nước mặt cho các mục đích sử dụng khác, nguồn nước dưới đất được ưu tiên sử dụng cho cấp nước sinh hoạt. Các nguồn nước mặt có thể khai thác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang: lưu vực sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Lục Ngạn… và tại các hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Bồ Lây…
Dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh thành trên toàn quốc” với mục tiêu thành lập được bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất cho các tỉnh, thành trên toàn quốc phục vụ công tác quy hoạch, quản lý bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin tài nguyên nước quốc gia. Dựa vào bộ sản phẩm của dự án, các tỉnh trên toàn quốc sẽ có cơ sở để quản lý, quy hoạch và khai thác tài nguyên nước một cách hợp lý nhất, đảm bảo phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất.