Kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước trên đảo Thanh Lân

Thanh Lân là đảo thuộc huyện Cô Tô với diện tích khoảng 27km2, là hòn đảo lớn nhất nằm về phía đông bắc, cách trung tâm huyện đảo Cô Tô 4km đường biển. Xã đảo Thanh Lân có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh biển đảo.

Vì vậy, Đảo Thanh Lân là một trong các đảo được lựa chọn thực hiện trong Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” được phê duyệt theo Quyết định số 129/QĐ-QHTNN ngày 25 tháng 7 năm 2011 của Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước với mục tiêu đảm bảo nguồn nước phục vụ dân sinh – kinh tế, an ninh quốc phòng tại đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh – đảo quan trọng có tầm chiến lược thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Để đảm bảo mục tiêu đã đề ra dự án thực hiện đã đạt được một số kết quả:

Về tài nguyên nước mưa: tổng lượng nước mưa trung bình rơi trên toàn đảo Thanh Lân đạt khoảng 29,5 triệu m3/năm. Lượng mưa trên đảo phân phối không đều trong các tháng. Trong mùa lũ, mưa tập trung nhiều vào 3 tháng VI , VII, VIII với lượng mưa trung bình 3 tháng đạt khoảng 297mm, chiếm 52,7% tổng lượng mưa trung bình năm, trong đó tháng mưa lớn nhất thường rơi vào tháng VIII, với lượng mưa lớn nhất là 966,8 mm/tháng. Tương tự, vào mùa khô, thời gian ít mưa tập trung chủ yếu vào 3 tháng từ tháng XII đến tháng II năm sau; Lượng mưa của 3 tháng này chỉ đạt 4,5% tổng lượng mưa năm trong đấy tháng XII có lượng mưa ít nhất, chỉ chiếm 1,6% tổng lượng mưa năm.

Về tài nguyên nước mặt: Trên đảo Thanh Lân có 4 hồ với tổng dung tích 42631,25 m3. Các hồ đều là hồ nước nhạt được thành tạo bởi đắp chặn các khe suối, chứa nước mưa để lấy nước ăn uống, sinh hoạt và tưới tiêu. Trên đảo có 7 suối chính tổng lượng tài nguyên nước suối là 4,0965 triệu m3, phần lớn là các suối chỉ có dòng chảy vào mùa mưa, mùa khô gần như không có nước.

Về chất lượng tài nguyên nước mặt: Theo các kết quả phân tích chất lượng nước mặt của dự án năm 2013 cho thấy nước mặt của đảo Thanh Lân còn tương đối tốt, chủ yếu các thông số đạt tiêu chuẩn sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt và các mục đích khác, chỉ có một vị trí điểm khảo sát ĐTL27 có thông số NO2 vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 08: 2008/BTNMT.

Hiện nay trong toàn bộ các hồ chứa trên đảo do được cung cấp từ nguồn nước mưa nên nước đều thuộc loại hình nhạt đến siêu nhạt, độ tổng khoáng hoá từ 0,074g/l đến 0,132 g/l. Loại hình hoá học là clorua – bicarbonat – natri hoặc bicarbonat – clorua – natri – calci, rất gần gũi với thành phần hoá học của nước mưa rơi trên đảo.

Về tài nguyên nước dưới đất: Trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất trên đảo Thanh Lân khoảng 3.321,95 m3/ngày. Trữ lượng khai thác thực tế theo tài liệu hút nước thí nghiệm ổn định dài ngày tại 5 lỗ khoan trên đảo Thanh Lân đạt 660,10 m3/ngày và trữ lượng dự báo có thể lên đến 903,21 m3/ngày. Với trữ lượng khai thác này có thể đáp ứng toàn bộ cho ăn uống sinh hoạt của người dân trên đảo và một phần nhu cầu của khách du lịch đến với Thanh Lân.

Về chất lượng nước dưới đất trên đảo Thanh Lân: Đối với tầng chứa nước lỗ hổng Holocen phân bố ngay trên mặt đất do địa hình cao hơn nước biển và được nước mưa cung cấp nên nước thuộc loại nhạt độ pH từ 6,11 – 6,98 thuộc loại nước axit yếu với độ tổng khoáng hóa thay đổi từ 0,078 – 0,5321g/l; hàm lượng clorua từ 26,59 – 146,23mg/l; độ cứng tổng quát từ 46,9–345 mgđl/l. Loại hình hóa học nước phổ biến là Clorua Bicacbonat Natri Canxi. Tuy nhiên do phân bố gần mặt đất nên chịu ảnh hưởng của các hoạt động dân sinh nên chất lượng nước nhiều nơi có dấu hiệu ô nhiễm Ecoli, colifom và nitrat (NO3).

Đối với tầng chứa nước khe nứt do phân bố sâu nên bị ảnh hưởng của nước biển, chất lượng nước một số khu vực gần về phía biển nước bị nhiễm mặn, càng vào gần chân núi nước càng nhạt. Tất cả các lỗ khoan đã thi công trong dự án đều có chất lượng nước khá tốt, độ pH từ 5,75 – 7,6 thuộc loại nước axit yếu đến kiềm yếu với độ tổng khoáng hóa thay đổi từ 0,066 – 0,603g/l; hàm lượng clorua từ 23 – 241,06mg/l; độ cứng tổng quát từ 33,8–362,5 mgđl/l. Loại hình hóa học nước phổ biến là Bicarbonat-Clorur Calci-Natri, Bicarbonat Calci-Natri. Các chỉ tiêu phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với nước ngầm sử dụng đa mục tiêu.

So với mục tiêu và nhiệm vụ của dự án đề ra, tại đảo Thanh Lân, đã đánh giá được chi tiết đặc điểm phân bố, số lượng và chất lượng tài nguyên nước trên đảo; kết hợp tạo nguồn cấp nước phục vụ dân sinh – kinh tế, bảo đảm an ninh – quốc phòng cho đảo.