Vu Gia – Thu Bồn là một trong số chín lưu vực sông lớn của Việt Nam. Toàn bộ lưu vực nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn, diện tích lưu vực vào khoảng 10.035 km2.
Tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong lưu vực. Những năm gần đây, có nhiều công trình thủy điện trên lưu vực được xây dựng đã góp phần to lớn vào tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cũng như các địa phương. Song bên cạnh đó việc vận hành các công trình thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy trong sông đặc biệt vào mùa khô. Điều này đã ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng nước ở vùng hạ lưu do mực nước bị hạ thấp và xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu.
Năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện dự án “Điều tra, xác định dòng chảy tối thiểu trên dòng chính lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn”, sau 5 năm thực hiện (từ 2010 – 2014) trên cơ sở nội dung đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, Trung tâm đã tổ chức thực hiện hoàn thành Dự án.
Một số kết quả chính được tóm tắt như sau:
I. Phạm vi thực hiện
Phạm vi thực hiện dự án là toàn bộ lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn với tổng diện tích khoảng 10.035 km2.
Giá trị dòng chảy tối thiểu được xác định trên dòng chính các sông Vu Gia và Thu Bồn.
II. Các nội dung chính dự án
1. Dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia, sông Thu Bồn được xác định bảo đảm dòng chảy tối thiểu là dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông, bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng.
2. Hiện nay chưa có quy định, hướng dẫn nào để tính toán, xác định dòng chảy tổi thiểu do đó Dự án đã phân tích kế thừa các kết quả nghiên cứu khoa học, kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để đề xuất các phương pháp tính toán giá trị dòng chảy tối thiểu cụ thể như sau: dòng chảy tối thiểu duy trì dòng sông được tính bằng giá trị dòng chảy tháng kiệt nhất ứng với tần suất 90%; dòng chảy bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh tính theo phương pháp chu vi ướt dựa vào công thức Chezy-Manning; dòng chảy bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng được dựa vào kết quả điều tra thực tế hiện trạng khai thác, sử dụng nước trên dòng chính sông Vu Gia, sông Thu Bồn.
3. Điểm kiểm soát dòng chảy tối thiểu được xác định trùng với các trạm thủy văn như Hội Khách trên sông Vu Gia, Ái Nghĩa trên sông Yên và Nông Sơn, Thành Mỹ trên sông Thu Bồn. Tổng số 4 điểm kiểm soát được xác định giá trị dòng chảy tối thiểu dựa vào đặc điểm nguồn nước, đặc điểm khai thác, sử dụng nước trên dòng chính cụ thể:
a) Dòng chảy tối thiểu ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc đoạn sông được tính cho 4 điểm kiểm soát với chuỗi số liệu quan trắc các trạm thủy văn tương ứng;
b) Dòng bảo đảm sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh được tính toán xác định tại 2 điểm kiểm soát, cụ thể Nông Sơn trên sông Thu Bồn và Hội Khách trên sông Vu Gia;
c) Dòng chảy bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nước được tính toán tại 4 điểm kiểm soát.
4. Các giá trị dòng chảy tối thiểu tại các điểm kiểm soát được tổng hợp, phân tích và lựa chọn dựa trên các giá trị dòng chảy thành phần. Giá trị dòng chảy tối thiểu trên dòng chính sông Vu Gia, sông Thu Bồn cụ thể như sau:
a) Tại trạm Hội Khách trên sông Vu Gia, mực nước là 841,8cm, lưu lượng là 64,2 m3/s; Ái Nghĩa trên sông Yên, mực nước là 266 cm, lưu lượng là 33,3 m3/s;
b) Tại Nông Sơn trên sông Thu Bồn, mực nước là 412,3 cm, lưu lượng là 44,9 m3/s; Giao Thủy trên sông Thu Bồn, mực nước là 108 cm, lưu lượng là 36,4 m3/s.