Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long

Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (KTTĐ ĐBSCL) thuộc cực Nam của tổ quốc, là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, xuất khẩu nông thủy sản của cả nước; chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp,… Điều tra, đánh giá chi tiết về tài nguyên nước nói chung, đặc biệt là tài nguyên nước dưới đất trong vùng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, thiếu nhiều thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý, quy hoạch tài nguyên nước.

dactrungDBSCL

Nhằm phục vụ việc quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước dưới đất bền vững, góp phần xây dựng 4 tỉnh – thành phố trở thành vùng KTTĐ theo chủ trương của Chính phủ, vào ngày 19 tháng 8 năm 2010, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long”. Vùng nghiên cứu bao gồm 4 tỉnh – thành phố: tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau và thành phố Cần Thơ, với tổng diện tích là 15.702 km2 (trừ vùng hải đảo). Dự án do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường một số tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau) và các đơn vị có liên quan thực hiện từ năm 2015 đến năm 2018.

Mục tiêu tổng quát của dự án là xác định điều kiện địa chất thuỷ văn, số lượng, chất lượng và khả năng khai thác, sử dụng nước dưới đất của các cấu trúc chứa nước, thành tạo đất đá chứa nước hoặc phức hệ chứa nước lớn và có mức độ chi tiết tương ứng với bản đồ tỷ lệ 1:100.000. Tạo lập các thông tin, dữ liệu tài nguyên nước dưới đất làm cơ sở cho việc lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Lập bản đồ địa chất thuỷ văn tỷ lệ 1:100.000 phục vụ công tác quản lý và khai thác thông tin, dữ liệu của các ngành, các địa phương. Tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở một số khu vực bố trí giếng khoan điều tra có lưu lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu khai thác.

Mục tiêu cụ thể của dự án là xác định các đặc điểm và đặc trưng cơ bản của các phức hệ, tầng chứa nước; một số đặc điểm của các tầng chứa nước yếu, cách nước chủ yếu thuộc phạm vi điều tra, đánh giá. Đánh giá mức độ chứa nước của các tầng chứa nước, khoanh vùng những khu vực có triển vọng khai thác nước dưới đất. Lập bản đồ tài liệu thực tế và bản đồ tài nguyên nước dưới đất. Đánh giá trữ lượng tiềm năng và xác định những đặc trưng cơ bản về sự phân bố của chúng trên phạm vi toàn vùng của từng tầng chứa nước chính. Đánh giá tính chất vật lý, hàm lượng các thành phần hóa học cơ bản, độ tổng khoáng hóa, loại hình hóa học chủ yếu của nước dưới đất. Đánh giá chất lượng nguồn nước dưới đất. Xác định khả năng có thể khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất của tầng chứa nước cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất ở từng khu vực thuộc phạm vi dự án.

Các nhiệm vụ chính của dự án gồm: Khảo sát tổng hợp ĐCTV tỷ lệ 1:100.000; khoan nghiên cứu ĐC-ĐCTV; đo địa vật lý (đo sâu điện và carota); đo trắc địa; lấy và phân tích các mẫu địa chất, mẫu nước; quan trắc động thái nước dưới đất.

Cho đến thời điểm hiện nay, dự án đã đạt được các kết quả quan trọng như:

Thứ nhất, Dự án đã chính xác hóa ranh giới địa tầng; điều chỉnh lại ranh giới mặn –  nhạt (M=1g/l) và khoanh được các vùng chứa nước nhạt của các tầng chứa nước trong phạm vi nghiên cứu, cụ thể là: Tầng chứa nước qp3, phân bố rải rác trong phạm vi nghiên cứu, diện tích khoảng 2.695km2; Tầng chứa nước qp2-3, phân bố ở phía Đông Nam (từ Tân Hiệp – tỉnh Kiên Giang đến Cần Thơ) và phía Tây Nam (từ Rạch Giá đến Giồng Riềng, Gò Quao, An Minh) đến tỉnh Cà Mau, diện tích khoảng 6.785 km2; Tầng chứa nước qp1, phân bố ở phía nam phạm vi nghiên cứu, theo tài liệu khảo sát đã khoanh được diện tích khoảng 4.604 km2; Tầng chứa nước n22, phân bố hẹp trong phạm vi nghiên cứu (từ An Giang đến huyện Cà Mau), diện tích khoảng 4.687 km2; Tầng chứa nước n21, phân bố hẹp trong phạm vi nghiên cứu (từ An Giang đến huyện Cà Mau), diện tích khoảng 3.632 km2; Tầng chứa nước n13, phân bố hẹp trong phạm vi nghiên cứu (từ An Giang đến huyện Cà Mau), diện tích khoảng 1.500 km2.

Thứ hai, Dự án đã đánh giá sơ bộ về trữ lượng, chất lượng và hiện trạng khai thác sử dụng nước dưới đất trong phạm vi thực hiện; lập được các sơ đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 và sơ đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000.

(VPTT)