Vùng núi cao karst Đông Bắc là khu vực phân bố các thành tạo cacbonat có khả năng thấm nước tốt, tuy nhiên do có địa hình cao, phân cắt sâu làm cho khả năng tàng trữ nước kém do bị thoát rất nhanh theo các hệ thống karst ra mạng lưới xâm thực địa phương tạo nên sự khan hiếm nước rất nghiêm trọng, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân. Nhiều giải pháp khai thác, sử dụng nước như xây bể, lu chứa nước, hoặc xây dựng nhiều hồ treo chứa nước, xây dựng các công trình nước tự chảy, khảo sát khoan thăm dò khai thác nước dưới đất… Đến nay, các công trình đó đã mang lại những hiệu quả nhất định nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô hạn. Các hồ treo, bể chứa, công trình cấp nước hiện đã xuống cấp hoặc bị cạn kiệt do điều kiện thi công, thời tiết, khí hậu bất thường không đảm bảo cung cấp nước cho đời sống nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại các vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam. Áp dụng thử nghiệm tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn” đã xác định được hiện trạng tài nguyên nước vùng núi cao karst Đông Bắc, bao gồm:
+ Về tài nguyên nước mưa: Lượng mưa bình quân khu vực 5 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn là 1.801 mm, tương ứng với tổng lượng nước mưa năm là 60,9 tỷ m3. Kết quả trên có thể nói là nguồn nước mưa khá dồi dào, là nguồn cung cấp nước trực tiếp cho các hồ chứa vùng núi cao karst Đông Bắc. Tuy nhiên lượng mưa thường phân bố không đều, địa hình cao, mực xâm thực sâu nên nước thường chảy tràn trên mặt thoát nhanh ra mạng xâm thực nên nhiều khu vực khan hiếm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất.
+ Về tài nguyên nước mặt: Lượng nước trên một số sông trên khu vực gồm: sông Lô tại Hà Giang là 170 m3/s (tương ứng lượng nước W = 5,4 tỷ m3/năm), sông Gâm tại Chiêm Hóa là 386,7 m3/s (tương ứng W = 12,19 tỷ m3/năm), sông Cầu tại Thác Riềng là 17,4 m3/s (tương ứng lượng nước 0,5 tỷ m3/năm), sông Bằng Giang tại trạm Cao Bằng là 80,1m3/s (tương ứng W = 2,5 tỷ m3/năm).
+ Về tài nguyên nước dưới đất: Tiềm năng nước dưới đất toàn vùng núi cao karst Đông Bắc là 3.275.539 m3/ngày, trong đó khu vực có tiềm năng lớn nhất là khu Bảo Lạc – Thông Nông – Yên Bình với tiềm năng là 600.498 m3/ngày, khu Tràng Định – Lạng Sơn có trữ lượng ít nhất 20.237m3/ngày. Trữ lượng có thể khai thác tại vùng núi cao karst Đông Bắc là 327.554m3/ngày.
Đồng thời kết quả nghiên cứu của đề tài đã đưa ra được cơ sở khoa học và xác lập được giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước cho 213 xã, thị trấn thuộc 5 tỉnh trong vùng núi cao karst Đông Bắc bao gồm:
+ Giải pháp khai thác nguồn nước mưa, nước mặt chủ yếu là giải pháp khai thác từ hang động. Kết quả xác định trên toàn bộ 213 xã ở 5 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang và Lạng Sơn thuộc vùng núi cao karst Đông Bắc có 0 xã, thị trấn áp dụng mô hình khai thác nước bằng hồ treo rất bền vững (chiếm 0% số xã thuộc vùng nghiên cứu); có 67 xã đạt mức bền vững (chiếm 31,5%) và có 146 xã đạt mức kém bền vững (chiếm 68,5%).
+ Giải pháp khai thác sử dụng nguồn nước dưới đất
Kết quả nghiên cứu thực tiễn mô hình khai thác sử dụng nguồn nước tại vùng cao nguyên đá đã đánh giá được mô hình khai thác nguồn nước bằng giếng khoan tại thị trấn Đồng Văn là rất bền vững. Mô hình khai thác sử dụng nguồn nước bằng giếng tại thị trấn Mèo Vạc là bền vững và mô hình khai thác sử dụng nguồn nước bằng mạch lộ tại thị trấn Đồng Văn là rất bền vững.