Hiện trạng hồ, đập và tưới tiêu nông nghiệp trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhất là trên 20 năm đổi mới, hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum nói riêng, các tỉnh Tây nguyên nói chung đã có những thay đổi lớn lao và nhanh chóng bộ mặt kinh tế – xã hội và ổn định chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều tài nguyên được quản lý và khai thác có hiệu quả, trong đó đáng kể nhất là tài nguyên nước. Một trong những nguyên nhân trực tiếp, là nhờ có hàng loạt các công trình Thủy lợi – Thủy điện lớn nhỏ được xây dựng khắp nơi, cấp nước tưới cho hàng vạn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp, sản xuất hàng tỷ kilowat giờ điện hòa vào lưới điện quốc gia cấp cho các đô thị và nhiều vùng sâu vùng xa, cấp nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân, góp phần cải tạo môi trường khí hậu và hình thành các khu du lịch văn hóa, sinh thái,…

b2_1

Sơ đồ bậc thang thủy điện trên hệ thống sông Sê San

Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai hiện nay có 343 công trình thủy lợi; trong đó: Hồ chứa nước tự nhiên và nhân tạo là 104 hồ; đập thủy lợi: 188 đập, trạm bơm: 51 trạm với năng lực tưới theo thiết kế là 47.045,2ha lúa và cây công nghiệp. Trên cơ sở đó đã đánh giá chi tiết hồ chứa: A yun Hạ, Ia Mlah, Hoàng Ân, Ia Glai, Ia H’rung, Chư Prông, Ia Mơr, Ia Ring, Tân Sơn, Ereh avf hệ thống thủy lợi Hà Ra;

– Trên toàn tỉnh Kon Tum hiện nay có 419 công trình thủy lợi, với năng lực thiết kế 16.540ha (trong đó 15.415ha lúa và 1.125ha cây công nghiệp); năng lực tưới thực tế là 10.061ha (trong đó 6.494ha lúa 2 vụ và 3.567ha cây công nghiệp) đạt 63,83% năng lực thiết kế. Trên cơ sở đó đã đánh giá chi tiết hồ chứa: Đăk Uy, Đăk Yên, Đăk Sa Men và Tân Điền;

– Trên sông Sê San có 07 công trình thủy điện được xây dựng là: Thượng Kon Tum (trên nhánh Đăk Bla), PleiKrông (trên nhánh Krông PôKô), Ia Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A. Các công trình trên sông Sê San có nhiệm vụ phát điện là chủ yếu, có thể cấp khoảng 8 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia.

– Trên sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai có 2 công trình thủy điện là Kan Năk và An Khê. Các công trình thủy điện này có thể cấp khoảng sản lượng điện sản xuất trung bình hàng năm 694 triệu KWh

b2_2

Hồ thủy điện Ia Ly (công trình trọng điểm Quốc gia lớn thứ 2 sau thủy điện Hòa Bình)

Nhìn chung, các công trình thủy lợi, thủy điện đã mang lại hiệu quả to lớn trong sự phát triển kinh tế – xã hội của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Về thủy điện, hàng năm cung cấp một sản lượng điện khá lớn khoảng 5,3 tỷ KWh. Về thủy lợi, tỉnh Gia Lai có 343 công trình thủy lợi được thiết kế diện tích tưới là 47.045 ha lúa, cây công nghiệp và hoa màu. Đáng kể nhất là hồ chứa nước Ayun Hạ đã tưới cho khoảng 13.500 ha lúa nước, đời sống đồng bào dân tộc vùng Ayun Pa ngày càng được cải thiện. Đối với tỉnh Kon Tum, có 419 công trình thủy lợi, có khả năng tưới cho khoảng 16.540 ha lúa, cây công nghiệp và hoa màu các loại, thực tế đã tưới được 10.061ha.

Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình Thủy điện – Thủy lợi đã ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế – xã hội vùng bán ngập lòng hồ, các đối tượng khai thác, sử dụng nước phía thượng lưu; ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của sông suối. Ảnh hưởng tới các vùng hạ du về lưu lượng nước và những thay đổi về dòng chảy phụ thuộc nhiều về chế độ điều tiết hồ chứa. Các hồ chứa tác động đến môi trường, tài nguyên nước, cảnh quan, tiểu vùng khí hậu, tác động đến hệ thực vật, tác động đến sự biến đổi của dòng chảy bùn cát và bồi lắng lòng sông.