Theo những phản ảnh của người dân địa phương về hiện tượng sụt, lún tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã khiến các hộ dân hoang mang và hoảng sợ. Sau khi nghiên cứu, các cơ quan chức năng xác định việc sụt, lún tại huyện Đại Từ là do hiện tượng hang động ngầm gây ra.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ TN&MT, Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước miền Bắc cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu thực hiện dự án: “ Điều tra, đánh giá điều kiện ĐCTV-ĐCCT, đề xuất các giải pháp phòng tránh sụt lún đất tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên”. Qua công tác điều tra đã xác định được, hiện trạng sụt lún đất xảy ra trên địa bàn xã Ký Phú từ trước đến nay gồm 9 điểm sụt lún đất với quy mô và thời gian xảy ra khác nhau. Các đới đá vôi phong hóa, dập vỡ, nứt nẻ mạnh; các hang hốc, phễu karst ngầm có thể gây ra sụt lún đất, từ đó khoanh định được 16 khu vực có nguy cơ sụt lún đất, đã phân vùng dự báo nguy cơ sụt lún đất ở các mức độ có nguy cơ sụt lún đất cao, trung bình, thấp và vùng bình ổn. Ở khu vực xóm Cạn, xã Ký Phú có tồn tại phễu hang động (kaster) ngầm ở độ sâu từ 8 – 35m dưới mặt đất. Phễu này có dạng hình elip với trục khoảng 60m, trục nhỏ khoảng 30m theo hướng tây – đông, bao trùm lên 3 hộ dân bị ảnh hưởng. Khu vực này có thể xảy ra sụt đất khi mất cân bằng tĩnh trên đất.
Kết quả điều tra của dự án đã tìm ra được nguyên nhân gây sụt lún tại xã Ký Phú là do sự tồn tại của các hang hốc, phễu karst ngầm trong đá vôi hệ tầng Bắc Sơn là loại đá dễ bị hòa tan, rửa lũa, bào mòn; sự tồn tại của lớp đất loại cát ngay trên bề mặt đá vôi. Các yếu tố dẫn đến sụt lún đất gồm nước mưa, sự vận động và thay đổi động thái của nước dưới đất và các hoạt động của con người trên mặt đất.
Trước nguy cơ lún sụt đất trên diện rộng, Sở Tài nguyên – môi trường Thái Nguyên đã đề nghị huyện Đại Từ và xã Ký Phú di dời ba hộ dân ở khu vực phễu Kastơ ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời lập dự án điều tra xác định điều kiện địa chất thủy văn để có biện pháp phòng tránh; yêu cầu chính quyền địa phương lập hàng rào bao quanh không cho người và gia súc đi vào khu vực bị nứt đất. Dự án này được thực hiện đã có những kết quả điều tra, khảo sát chi tiết cho toàn bộ khu vực dự đoán có phân bố đá vôi để xác định quy mô, chiều sâu, mức độ phát triển kast, lập bản đồ phân vùng phục vụ quy hoạch xây dựng khu dân cư, trục huyện lộ… đề xuất cụ thể những giải pháp để xử lý hiện tượng lún, sụt đất này./.
(Hồng Ngọc – TT Dữ liệu QH&ĐT TNN)