Giải bài toán tìm kiếm và đảm bảo nguồn nước ngọt trên đảo Hòn Tre

Đảo Hòn Tre thuộc xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đảo nằm trong vịnh Rạch Giá thuộc Biển Tây, cách bến tàu Rạch Giá khoảng 30km về hướng tây nam. Diện tích 4,3km2 (428,59ha). Đảo có tiềm năng lớn về du lịch, trong tương lai Hòn Tre sẽ trở thành khu du lịch sinh thái mới của tỉnh Kiên Giang. Dân số trên đảo có 4.376 người với 1.047 hộ gia đình, phần lớn là dân di cư từ đất liền ra đảo.

Đảo Hòn Tre nhìn từ xa.

Cũng như bao hòn đảo khác, do nằm xa đất liền nên việc cung cấp nước ngọt thực sự đang gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu nước ngọt ở đây không những ảnh hưởng bất lợi đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân mà còn là rào cản trong phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế biển đảo, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, Chính phủ ưu tiên đầu tư tìm kiếm, xử lý đảm bảo nguồn nước ngọt cho các đảo. Với nhiệm vụ là đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh – kinh tế, an ninh quốc phòng trên đảo Hòn Tre – đảo quan trọng, có tầm chiến lược thuộc lãnh thổ Việt Nam, Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”- đảo Hòn Tre” đã được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia thực hiện hoàn thành và đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

– Kết quả nghiên cứu của các dạng công tác đã chỉ ra rằng đảo Hòn Tre chỉ có một cấu trúc chứa nước khe nứt có tuổi Jura muộn thuộc hệ tầng Định Quán (J3đq). Thành phần thạch học gồm các lớp sét, sét bột lẫn dăm, sạn, các đá granosyenit, syenit pyroxen-biotit, syenit thạnh anh, diorit pyrocen-biotit dạng pophyr. Phần đất đá nứt nẻ phân bố cả trên mặt và dưới sâu với chiều dày 38,9m, tạo điều kiện cho việc tàng trữ và lưu thông nước. Tuy nhiên khả năng chứa nước của tầng rất nghèo nước. Trong 6 lỗ khoan thăm dò chỉ có 2 lỗ khoan tìm thấy nước ngầm với lưu lượng thí nghiệm từ 0,33 – 0,56l/s ứng với tổng lưu lượng khoảng 76,9m3/ngđ. Các điểm khai thác nước phân bố chủ yếu ở trung tâm đến phía bắc đảo.

– Trữ lượng tiềm năng nước dưới đất của đảo nhỏ, theo tính toán chỉ có 413m3/ngày, với trữ lượng động do nước mưa cung cấp là chủ yếu (363m3/ngày).

– Chất lượng nước dưới đất khá tốt, nước nhạt với độ tổng khoáng hóa 0,42 – 0,51g/l, các chỉ tiêu thành phần hóa học nước đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT.

– Số liệu tính toán cho thấy tài nguyên nước mưa trên đảo rất lớn, nhưng lượng nước này chủ yếu thoát xuống biển, chỉ một phần rất nhỏ cung cấp cho nước dưới đất. Cụ thể chuyên đề đặc điểm tài nguyên nước đã xác định lượng nước mưa cung cấp cho nước dưới đất là 363m3/ngày, tương ứng với 132.495m3/năm, xấp xỉ 3,96% tổng lượng nước do nước mưa cung cấp. Chất lượng nước mưa được lấy vào thời điểm cuối mùa mưa, nước siêu nhạt với tổng độ khoáng hóa 0,02 – 0,08g/l.

– Trên đảo không có sông, ao, hồ, đập ngăn nước. Nước mặt trên đảo do nước mưa cung cấp trong các khe, suối và dòng chảy tạm thời, sau khi hết mưa nước thoát hết xuống biển. Vì vậy trữ lượng nước mặt trên đảo có thể kết luận là không có.

– 2 lỗ khoan TR-K1 và TR-K2 sau khi kết thúc thời gian quan trắc đã được bàn giao lại cho UBND xã đảo Hòn Tre quản lý sử dụng vào ngày 15 tháng 4 năm 2014. Trong 2 lỗ khoan kể trên hiện tại lỗ khoan TR-K2 đã được đưa vào khai thác phục vụ thầy cô và học sinh Trường Trung học phổ thông (cấp II và III) và một số hộ gia đình xung quanh trường. Lỗ khoan TR-K1 do nằm trên vị trí sườn đồi nên địa phương đang có kế hoạch lắp hệ thống dẫn xuống thấp (khoảng 200m) để nước lỗ khoan chảy ra cho người dân sử dụng, giảm bớt khó khăn thiếu nước về mùa khô của người dân xã đảo.

Với những kết quả đạt được, tại đảo Hòn Tre đã đánh giá được chi tiết đặc điểm phân bố, số lượng và chất lượng tài nguyên nước trên đảo; kết hợp tạo nguồn cấp nước phục vụ dân sinh – kinh tế, bảo đảm an ninh – quốc phòng cho đảo.