Việt Nam là một quốc gia biển với trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, đường bờ biển dài 3.260km, có tổng diện tích khoảng 17.000km2, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh quốc phòng của nước ta. Trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước thì vai trò kinh tế biển đảo có vị trí đặc biệt quan trọng.
Theo kế hoạch giao, Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước được giao nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo Trần, đảo Phượng Hoàng, đảo Nất Đất và đảo Thượng Mai – Hạ Mai. Sau thời gian thực hiện từ năm 2017 đến 2021 trong đó đảo Trần thực hiện năm 2017-2018, đảo Phượng Hoàng thực hiện từ năm 2017 – 2020, đảo Nất Đất thực hiện từ năm 2020 – 2021 và đảo Thượng Mai – Hạ Mai thực hiện từ năm 2020 – 2021, Trung tâm đã hoàn thành các nội dung khối lượng công việc được phê duyệt đáp ứng được mục tiêu đề ra.
Từ kết quả điều tra đánh giá tài nguyên nước cũng như điều tra hiện trạng khai thác sử dụng nước trên các đảo dự án đưa ra một số định hướng khai thác sử dụng tài nguyên nước trên 04 đảo như sau:
Đảo Trần
– Về định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt trên đảo Trần: cần tiếp tục khai thác triệt để các nguồn nước mặt hiện có trên đảo gồm 6 con suối và 3 hồ chứa nước, cần có kế hoạch sử dụng tưới tiết kiệm hiệu quả, gia cố lại các hồ chứa nước ngọt để hạn chế hiện tượng rò rỉ và thấm của hồ nhằm tích trữ nước để sử dụng cho mùa khô. Cần tận dụng triệt để các nguồn nước mặt hiện có để giảm tải trữ lượng khai thác nước dưới đất.
– Đối với 2 khu vực là Khu tái định cư và tiểu đoàn đảo Trần 242 thì đã đảm bảo được nhu cầu sử dụng nước quanh năm (do có 3 công trình khai thác nước ĐT1, ĐT2, ĐT3), còn 3 khu vực là tiểu đoàn Công binh 513, trạm Hải quân Rada 480 và Đồn biên phòng số 6 thì thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Dự án này đã thi công 3 lỗ khoan tại 3 khu vực trên và với trữ lượng ổn định đạt 199,58m3/ngày thì hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cho 3 khu vực thiếu nước trên.
– Khu vực phía Bắc đảo Trần tập trung dân cư trên đảo và Tiểu đoàn đảo Trần 242, Tiểu đoàn Công binh 513 đã có 3 lỗ khoan giai đoạn trước ĐT1, ĐT2, ĐT3 với tổng lưu lượng thực bơm là 267,8m3/ngày hiện nay chỉ đang sử dụng với lưu lượng rất nhỏ từ 6-20m3/ngày và 1 lỗ khoan dự án đã khoan ĐT-K1 lưu lượng 44,06m3/ngày. Tổng lưu lượng các lỗ khoan khu vực này là 311,9m3/ngày có thể xây dựng hệ thống khai dẫn trạm cấp nước cho khu vực này, tuy nhiên lỗ khoan ĐT-K1 có mực hạ thấp tương đối cao nên để đảm bảo khai thác bền vững kiến nghị lưu lượng khai thác cho lỗ khoan là 30m3/ngày, chế độ khai thác 8h/ngày. Các lỗ khoan khác để đảm bảo chỉ nên khai thác với chế độ 8-10h/ngày.
– Với lỗ khoan ĐT-K2 ở phía Đông Nam đảo có thể khai thác phục vụ nhu cầu sử dụng của trạm Hải quân rada 480 với lưu lượng kiến nghị là 40m3/ngày, chế độ khai thác là 8h/ngày.
– Khu vực đồn Biên phòng số 6 phía Tây Nam đảo có lỗ khoan ĐT-K3 của dự án với lưu lượng bơm là 103,68m3/ngày trị số hạ thấp mực nước nhỏ lỗ khoan hoàn toàn đáp ứng được cho nhu cầu sử dụng nước tại khu vực này, lưu lượng khai thác kiến nghị là 80m3/ngày, chế độ khai thác 8h/ngày.
Với phương án khai thác như trên sẽ đảm bảo cho nguồn tài nguyên nước được bảo vệ bền vững không bị suy thoái cạn kiệt. Vào mùa mưa đề nghị người dân và bộ đội trên đảo ưu tiên khai thác các nguồn nước mặt, nước mưa để sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt, hạn chế khai thác nước dưới đất và nước dưới đất sẽ được ưu tiên khai thác vào mùa khô, có như vậy thì mới đảm bảo được khai thác nước bền vững lâu dài, ổn định trên toàn đảo.
Đảo Phượng Hoàng
– Đối với nguồn nước mặt
+ Xây dựng vùng đệm bảo vệ các dòng suối, tránh các tác động gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước mặt trên đảo.
+ Khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao cần xây dựng các công trình hồ chứa tích trữ nước mặt phục vụ mục đích cấp nước nhân dân.
+ Ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt cho các hoạt động trồng trọt, các hoạt động kinh doanh, sản xuất có sử dụng đến nước như chế biến hải sản…
– Đối với nguồn nước dưới đất
+ Ưu tiên sử dụng nguồn nước dưới đất cho mục đích ăn uống, sinh hoạt.
+ Đối với 3 giếng khoan thăm dò của dự án (PH-K1, PH-K2, PH-K3, tổng lưu lượng thực bơm của các giếng khoan là 248,83 m3/ngày), đã được bàn giao cho địa phương quản lý đưa vào dự phòng cấp nước trong mùa khô. Để đảm bảo khai thác bền vững kiến nghị lưu lượng khai thác cho mỗi lỗ khoan như sau: lỗ khoan PH-K1 lưu lượng 35 m3/ngày đêm, lỗ khoan PH-K2 lưu lượng 65 m3/ngày đêm, lỗ khoan PH-K3 lưu lượng 80 m3/ngày đêm.
+ Trong trường hợp cần phải bổ sung các công trình khai thác nước dưới đất. Các giếng khoan khai thác nên bố trí có chiều sâu khai thác từ 45 – 60m và nên khai thác tại khu vực thung lũng phía Tây Nam và Đông Bắc đảo.
Đảo Nất Đất
– Đối với nguồn nước mặt
+ Khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao cần xây dựng các công trình hồ chứa tích trữ nước mặt trên đảo phục vụ mục đích cấp nước nhân dân.
+ Ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt cho các hoạt động trồng trọt, các hoạt động kinh doanh, sản xuất có sử dụng đến nước như chế biến hải sản…
– Đối với nguồn nước dưới đất
+ Ưu tiên sử dụng nguồn nước dưới đất cho mục đích ăn uống, sinh hoạt.
+ Đối với 02 giếng khoan thăm dò của dự án (NĐ-K1, NĐ-K2 tổng lưu lượng thực bơm của các giếng khoan là 177,12 m3/ngày), đã được bàn giao cho địa phương quản lý đưa vào dự phòng cấp nước trong mùa khô, trường hợp hạn hán. Để đảm bảo khai thác an toàn chúng tôi kiến nghị lưu lượng khai thác cho mỗi giếng khoan như sau: lỗ khoan NĐ-K1 lưu lượng 50m3/ngày đêm, lỗ khoan NĐ-K2 lưu lượng 70m3/ngày đêm.
+ Trong trường hợp cần phải bổ sung các công trình khai thác nước dưới đất. Các giếng khoan khai thác nên bố trí có chiều sâu khai thác từ 45 – 60m và nên khai thác tại khu vực thung lũng phía Tây Bắc và phía Nam đảo.
Đảo Thượng Mai – Hạ Mai
– Đối với nguồn nước mặt
+ Khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao cần xây dựng các công trình hồ chứa tích trữ nước mặt trên đảo phục vụ mục đích cấp nước nhân dân.
+ Ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt cho các hoạt động trồng trọt, các hoạt động kinh doanh, sản xuất có sử dụng đến nước như chế biến hải sản…
– Đối với nguồn nước dưới đất
+ Ưu tiên sử dụng nguồn nước dưới đất cho mục đích ăn uống, sinh hoạt
+ Với 2 lỗ khoan trên đảo Thượng Mai TM-K1, TM-K2 có thể khai thác tối đa theo lưu lượng thực bơm của 2 lỗ là 159,84m3/ngày. Tuy nhiên với vị trí, địa hình của các lỗ khoan thì chỉ có lỗ khoan TM-K1 ở địa hình tương đối bằng phẳng, bề ngang đủ rộng, khu vực này cũng tập trung dân cư vào mùa cao điểm làm sứa có thể thực hiện khai dẫn cấp nước cho xung quanh, lỗ khoan TM-K2 ở địa hình không thuận lợi để khai dẫn, dân cư cũng không tập trung ở khu vực này.
+ Với 1 lỗ khoan HM-K1 ở đảo Hạ Mai, theo kết quả đánh giá khả năng khai thác lưu lượng khai thác của lỗ khoan đã đạt gần lưu lượng dự báo có thể khai thác. Vì vậy để đảm bảo lỗ khoan này chỉ nên khai thác với lưu lượng 35m3/ngày ưu tiên dùng nước cho sinh hoạt ăn uống. Do địa hình trên đảo Hạ Mai dốc, bề ngang hẹp nên rất khó để thực hiện khai dẫn vì vậy lỗ khoan không thực hiện được khai dẫn cấp nước rộng rãi, chỉ cấp nước với quy mô nhỏ.
+ Trong trường hợp cần phải bổ sung các công trình khai thác nước dưới đất. Các giếng khoan khai thác nên bố trí có chiều sâu khai thác từ 45 – 60m và nên khai thác tại khu vực thung lũng phía Bắc đảo..
Dự án đã đưa ra định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp lý trên các đảo Trần, đảo Phượng Hoàng, đảo Nất Đất và đảo Thượng Mai – Hạ Mai góp vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước. Nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động bất lợi tới tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước