Miền Trung Việt Nam hay Trung Bộ (trước kia còn được gọi bằng các tên khác nhau trong lịch sử là Trung phần (thời Việt Nam Cộng hòa), Trung Kỳ (thời Pháp-thuộc), và An Nam (theo người Pháp) là một trong ba vùng chính của Việt Nam (Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ) và là vùng ở giữa. Tây Nguyên thường được gộp vào Trung Bộ. Đôi khi có tài liệu gọi vùng này bằng tên ghép Miền Trung-Tây Nguyên. Tên gọi Trung Bộ được dùng từ sau khi vua Bảo Đại thành lập cơ quan hành chính cấp vùng cao hơn tỉnh vào năm 1945, thay cho tên gọi Trung Kỳ gợi nhớ thời kỳ bị Pháp đô hộ. Tên gọi này được các tài liệu chính thức của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng. Tên gọi này cũng được nhiều người sử dụng cho đến ngày nay.
Ngoài ra còn có một danh xưng khác là Trung phần, phát xuất từ việc vào năm 1949, Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam Bảo Đại cho thành lập cơ quan hành chính cấp Phần, với chức năng tương đương cấp Bộ năm 1945. Về sau, chính phủ Việt Nam Cộng hòa cũng thường dùng danh xưng này cho đến tận khi sụp đổ vào năm 1975. Sắc lệnh số 143-A/TTP của Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 23/10/1956 đã quy định gọi Bắc Việt, Trung Việt, Nam Việt tương ứng là Bắc Phần, Trung Phần, Nam Phần. Tây Nguyên được Việt Nam Cộng hòa gọi là Cao nguyên Trung phần (trước đó gọi là Cao nguyên Miền Nam). Theo Sắc lệnh số 147-A/NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 24/10/1956 thì Trung Phần gồm Cao nguyên Trung phần và Trung nguyên Trung phần.