Ngày 18/11, tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm QH&ĐTTNNQG đã báo cáo kết quả thực hiện Giai đoạn I và Kế hoạch triển khai Giai đoạn II Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” do Trung tâm chủ trì thực hiện. Tham dự cuộc họp có ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG; ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG; cùng đại diện Cục Quản lý Tài nguyên nước, Vụ Khoa học Công nghệ.
Mở đầu cuộc họp, ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG đã báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn I của Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”. Đến nay, về cơ bản Trung tâm đã hoàn thành giai đoạn I của Đề án theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Việc điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất các đô thị giai đoạn I được thực hiện ở các đô thị: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột, Mỹ Tho, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu và Cần Thơ. Kết quả điều tra đạt được trong giai đoạn 1 đã làm sáng tỏ cấu trúc, điều kiện, thông số địa chất thủy văn của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định được sự phân bố, miền cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định tiềm năng, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước cần bảo vệ; Xác định ranh giới nhiễm mặn, các vùng nước dưới đất bị ô nhiễm.
Trên cơ sở đánh giá đầy đủ và chi tiết hiện trạng nước dưới đất cũng như các vấn đề tài nguyên nước dưới đất ở 09 đô thị lớn, trọng điểm của nước ta, Đề án đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất ở từng đô thị. Các giải pháp kỹ thuật bảo vệ tài nguyên nước dưới đất bao gồm: Quy hoạch vùng bảo vệ miền cấp, đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất; Quy hoạch vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Quy hoạch khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất; Quy hoạch xây dựng, hoàn chỉnh mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất và Bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.
Đề án cũng đã xây dựng được phần mềm cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, tích hợp đầy đủ toàn bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất ở 9 đô thị lớn, trọng điểm của nước ta. Phần mềm cơ sở dữ liệu được tích hợp, kết nối các thông tin cơ sở dữ liệu của mạng quan trắc Quốc gia và mạng quan trắc địa phương do đó có thể dễ dàng tra cứu, sử dụng và cập nhật các thông tin về tài nguyên nước phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và bảo vệ tài nguyên nước.
Trên cơ sở kết quả thi công giai đoạn I, Đề án đã xây dựng được các hướng dẫn kỹ thuật bao gồm: Hướng dẫn kỹ thuật điều tra nước dưới đất đô thị; Hướng dẫn bảo vệ nước dưới đất đô thị; Hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng vùng cấm, vùng hạn chế xây dựng mới công trình khai thác nước dưới đất; Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng vùng và đới bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất; Hướng dẫn kỹ thuật xây dựng và vận hành mạng quan trắc nước dưới đất trong hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia; Hướng dẫn kỹ thuật bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất. “Các hướng dẫn kỹ thuật này đã trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần để các cơ quan nhà nước ban hành hệ thống các quy định kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, đơn giá ở lĩnh vực điều tra tài nguyên nước dưới đất, đồng thời cũng là các tài liệu hết sức hữu ích trong quá trình triển khai bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn giai đoạn tiếp theo đảm bảo khả thi và hiệu quả”.
(TTDLTNN)