Bài toán quy hoạch tài nguyên nước tại các thị xã công nghiệp

Đã từ lâu, tỉnh Bắc Ninh nói chung và thị xã Từ Sơn nói riêng được biết đến là vùng đất có nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất và làng nghề. Trong quá trình vận hành, các công ty, nhà máy, các làng nghề không thể không sử dụng tới nguồn tài nguyên nước. Bài toán đặt ra là làm thế nào để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên có hạn này vừa nhằm phục vụ sản xuất, vừa nhằm phục vụ cho sinh hoạt của người dân tại địa phương.

Với mục tiêu quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước thị xã Từ Sơn đến năm 2020 nhằm xác định các tồn tại, các vấn đề trong khai thác, sử dụng, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước qua đó đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước nhằm phát triển bền vững tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn thị xã. Nhóm nghiên cứu bao gồm các kỹ sư thuộc Liên đoàn quy hoạch và điều tra tài nguyên nước Miền Bắc đã bắt tay thực hiện dự án: “Lập quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước thị xã Từ Sơn – Bắc Ninh giai đoạn 2010-2020”

Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn bộ diện tích thị xã Từ Sơn là 61,3 km2. Nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu dự án là phải đi sâu làm rõ các vấn đề như sau:

+ Xác định đặc điểm, đặc trưng chủ yếu về số lượng, chất lượng; dự báo xu thế biến động về số lượng, chất lượng nguồn nước trong kỳ quy hoạch.

+ Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo đối tượng, mục đích, phạm vi sử dụng nước và các chỉ tiêu khác đối với từng nguồn nước trong vùng quy hoạch; dự báo những tác động của biến động về số lượng, chất lượng các nguồn nước tới việc khai thác, sử dụng nước của các công trình khai thác hiện có.

+ Phân tích, đánh giá mục đích sử dụng nước hiện tại, xác định mục đích sử dụng nước trong kỳ quy hoạch đối với từng nguồn nước; xác định mức dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên các sông hoặc các đoạn sông, mức giới hạn mực nước khai thác đối với các tầng chứa nước chính trong vùng quy hoạch.

+ Xây dựng phương án chia sẻ, phân bổ tài nguyên nước của từng nguồn nước trong vùng quy hoạch cho các mục đích sử dụng nước (theo tỷ lệ %) nhằm đảm bảo giải quyết các vấn đề theo thứ tự ưu tiên đã được xác lập, đảm bảo mức dòng chảy tối thiểu cần duy trì trên các sông hoặc đoạn sông và mức giới hạn khai thác đối với các tầng chứa nước chính, tương ứng với các trường hợp hạn hán, thiếu nước và theo mức đảm bảo tần suất của nguồn nước.

+ Đánh giá tình hình xả nước thải, chất thải vào nguồn nước; xác định vị trí, phạm vi và mức độ ô nhiễm của các nguồn thải và các nguồn gây ô nhiễm khác trong vùng quy hoạch

+ Xác định các giải pháp bảo vệ môi trường nước, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm.

Trong quá trình thu thập và xử lý các thông tin đã thu thập được, nhóm nghiên cứu đã gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, dự án đã đem lại những kết quả hết sức quan trọng nhằm đáp ứng được mục tiêu ban đầu đã đề ra của dự án:

Đã thu thập được đầy đủ các tài liệu về hiện trạng và phương hướng phát triển xã hội của thị xã Từ Sơn, thừa kế bổ sung những quy hoạch đã có của các ngành để xem xét trong quá trình tiến hành dự án

Bên cạnh đó, dự án cũng đã đánh giá được hiện trạng và nhu cầu sử dụng nước của các ngành kinh tế trọng điểm tại địa phương, đặc biệt là ngành nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, công nghiệp chế xuất… có ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển nguồn nước cũng như thực trạng các công trình khai thác và sử dụng nguồn nước, các công trình xả thải vào nguồn nước trên địa bàn thị xã.

Dự án cũng sử dụng mô hình tính toán và dự báo nhu cầu sử dụng nước cho các ngành, dự báo xu thế biến động tài nguyên nước trên địa bàn thị xã Từ Sơn qua đó đề xuất các biện pháp khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Với quy mô nghiên cứu tương đối nhỏ, song dự án đã đem lại những kết quả quan trọng, góp phần giúp cho các nhà hoạch định tài nguyên môi trường nói chung và tài nguyên nước nói riêng một cái nhìn tổng thể nhất về hiện trạng và nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thị xã Từ Sơn để từ đó có những giải pháp phù hợp nhằm khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên vô giá này.

(Nhâm Nguyễn)