Hiện trạng mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum

Nghiên cứu động thái nước dưới đất đã và đang trở thành một trong những lĩnh vực rất quan trọng của địa chất thủy văn. Tất cả những tính toán dự báo địa chất thủy văn không thể tiến hành một cách chính xác nếu thiếu những thông tin về động thái nước dưới đất trong điều kiện tự nhiên và bị phá hủy.

Việc nghiên cứu động thái nước dưới đất cho phép xác định mối liên hệ về điều kiện hình thành và những vấn đề ảnh hưởng đến chúng, làm sáng tỏ những quy luật thay đổi của chúng theo thời gian, không gian, tính toán dự báo, cảnh báo sự thay đổi trữ lượng và chất lượng nước dưới đất,… giúp việc bảo vệ và khai thác tài nguyên nước dưới đất hợp lý, bền vững, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Cho đến thời điểm hiện nay, mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum có 106 công trình quan trắc, trong đó có 96 công trình quan trắc nước dưới đất (91 công trình là lỗ khoan, 5 điểm lộ), 10 công trình quan trắc nước mặt. Các công trình được bố trí nghiên cứu đều khắp các thành tạo địa chất, trong đó tập trung vào các đối tượng chứa nước chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội  như: Tầng chứa nước phun trào bazan, tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và tầng chứa nước Neogen. Những tầng chứa nước còn lại chỉ bố trí một số công trình quan trắc mang tính chất đặc trưng

b6_1

Bản đồ hiện trạng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước vùng nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát của toàn mạng lưới là Quan trắc, kiểm soát số lượng, chất lượng tài nguyên và môi trường nước dưới đất trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của vùng (nằm trong mục tiêu tổng quát của mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước dưới đất vùng Tây Nguyên).

Qua nghiên cứu, đánh giá các kết quả đã đạt được, một số ưu điểm và nhược điểm của mạng quan trắc tài nguyên nưới dưới đất trên 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum như sau:

– Về ưu điểm:

+ Mạng lưới thể hiện rõ mang tính chất khống chế khu vực, các công trình quan trắc chỉ tập trung vào những vùng trọng điểm và những địa tầng có ý nghĩa.

+ Từ tài liệu quan trắc đã lập được cơ sở dữ liệu của toàn hệ thống, đã rút ra được các luận cứ khoa học, các quy luật động thái, phân vùng động thái của nước dưới đất; xuất bản niên giám, thông báo, dự báo phục vụ các cơ quan quản lý và phát triển kinh tế – xã hội trên lãnh thổ Tây Nguyên nói chung và 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum nói riêng.

– Các tồn tại:

+ Mạng quan trắc hiện có mới chỉ đáp ứng nghiên cứu động thái của nước dưới đất mang tính chất khu vực là chủ yếu, chưa kiểm soát được toàn diện tài nguyên và môi trường nước dưới đất ở 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum;

+ Một số công trình quan trắc cho đến nay không còn phù hợp do bị ảnh hưởng quá nhiều của hoạt động phát triển kinh tế – xã hội; một số đã không còn phù hợp về yêu cầu kỹ thuật cần xem xét dừng quan trắc;

+ Các chỉ tiêu phân tích đánh giá chất lượng nước dưới đất, chưa bám sát theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09:2008 về đánh giá và giám sát chất lượng nước ngầm làm căn cứ để định hướng cho các mục đích sử dụng nước khác nhau.