Xâm nhập mặn: Những giải pháp ứng phó hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Sông Mê Công là con sông lớn thứ mười trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng ở độ cao 5.000 m, diện tích lưu vực 795.000 km2 , chiều dài 4.880 km, chảy qua 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanma, Campuchia và Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở cực nam của Tổ quốc, phía đông bắc giáp Thành phố Hồ Chí Minh, đông và nam giáp biển Đông, bắc giáp Campuchia, tây giáp biển Đông và vịnh Thái Lan. Đây là một trong những đồng bằng lớn và phì nhiêu của khu vực Đông Nam Á và thế giới. ĐBSCL chịu tác động của hai khối nước lớn là sông Mê Công và thủy triều của biển, do đó chế độ thủy văn của khu vực khá phức tạp, vừa chịu ảnh hưởng của dòng chảy thượng lưu sông Mê Công, đồng thời chịu ảnh hưởng của thủy triều biển Đông và biển Tây.

Những năm gần đây, diễn biến xâm nhập mặn ở ĐBSCL phức tạp, bất thường, năm sớm năm muộn so với cùng kỳ nhiều năm. Năm 2011, xâm nhập mặn sớm hơn, từ giữa tháng 2, nhiều địa phương vùng ĐBSCL, Tây Nguyên đã phải đối phó với hạn hán và đặc biệt là tình trạng nước mặn xâm nhập. Tại một số tỉnh ven biển ĐBSCL, nước biển xâm nhập sâu vào các sông rạch khiến các dòng sông bị nhiễm mặn sớm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động nông nghiệp. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, diễn biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm qua và dự báo còn diễn biến xấu hơn trong những năm tiếp theo.

Xâm nhập mặn gây ra những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cả vùng ĐBSCL. Đặc biệt, cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, diễn biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm qua. Ngay từ tháng 2, độ mặn đã duy trì ở mức cao và nghiêm trọng. Trên sông Tiền và sông Hậu, độ mặn là trên 45‰, xâm nhập sâu tới 70 km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85 km (trong khi theo Trung tâm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai thì độ mặn bằng 4‰ đã được coi là bị xâm nhập mặn).

DL165

Để hạn chế và ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong tương lai, mỗi địa phương cần thực hiện những biện pháp phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên, ở tầm vĩ mô, cần tiến hành một số giải pháp chung như:

+ Tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn; 
+  Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong Ủy hội Mê Công và Trung Quốc để cùng chia sẻ lợi ích chung trong việc phát triển và thịnh vượng chung của cả khu vực theo Hiệp định Mê Công 1995, ký kết song phương với từng quốc gia hay đa phương.

+ Điều chỉnh quy hoạch tổng thể và sản xuất nông nghiệp cho khu vực, quy hoạch sản xuất nông nghiệp phải nằm trong quy hoạch tổng thể gồm phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, gia tăng diện tích trồng lúa và số vụ lúa mỗi năm, nâng cao kỹ thuật thâm canh lúa nhằm làm tăng chất lượng nước ngọt, giảm phèn, nhiễm mặn, ô nhiễm phân bón, thuốc sát trùng, thuốc diệt cỏ, đồng thời sử dụng hợp lý nguồn nước phù hợp với phát triển kinh tế, môi trường và tập quán ở địa phương.

+ Lựa chọn cây trồng vật nuôi thích nghi với điều kiện khô hạn và môi trường nước mặn, nước lợ. Việc nghiên cứu tiến hành các biện pháp bền vững lâu dài cho phát triển kinh tế địa phương, cần phải từng bước lựa chọn và lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khô hạn, nước mặn và nước lợ.

+ Kiện toàn hệ thống đê và thành lập nhiều khu tứ giác là một trong những ưu tiên chính. Thành lập các khu vực bảo vệ trước lũ, xâm nhập mặn nhằm chủ động trong việc dẫn nước lũ vào cải tạo đồng ruộng và phục vụ nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng nhằm đảm bảo đời sống sản xuất của người dân, tạo ra các vùng đất an toàn đối với lũ và xâm nhập mặn, đồng thời chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn.

+ Xây dựng đập ngầm, đây là giải pháp mang tính tham khảo đối với Việt Nam, giải pháp này đã được áp dụng tại Hoa Kỳ.

+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công trình giữ nước ngọt trong đồng bằng. + Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, đây là dự án lâu dài, bền vững dọc theo biển Đông và biển Tây để ứng phó với mực nước biển dâng cao.

+ Quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Đây là một trong những biện pháp tích cực và hiệu quả nhất để quản lý nguồn nước ngọt, gián tiếp đẩy lùi tình trạng xâm nhập mặn

ĐBSCL có vai trò vô cùng quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia. Dân số và kinh tế vùng ven biển ĐBSCL lại chiếm một vị trí trọng yếu cho quá trình phát triển của cả đồng bằng này. Do vậy, bất kỳ một tác động bất lợi nào làm mất ổn định cho vùng này, mà điển hình hơn cả là xâm nhập mặn ngày càng sâu, cần phải được xem xét và kiểm soát./.