Tính đến tháng 7 năm 2015, theo thống kê về hiện trạng khai thác và sử dụng nước của các tỉnh trên cả nước, hiện tượng thiếu nước xảy ra ở nhiều nơi, trong đó các tỉnh miền Trung gặp nhiều khó khăn nhất. Ở vùng Bắc Trung Bộ, một số huyện của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hầu hết các huyện tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và một số huyện thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế đã phải chung sống với hiện tượng thiếu nước vào các tháng mùa khô.
Do thời tiết khô hạn kéo dài, tại tỉnh Nghệ An, các xã Nghi Diên, Nghi Yên (huyện Nghi Lộc), Hưng Trung, Hưng Yên Nam (huyện Hưng Nguyên) tình trạng thiếu nước diễn ra gay gắt từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Ở các huyện miền núi như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn tuy có nhiều sông suối nhưng vào mùa cạn việc thiếu nước sinh hoạt thường xuyên diễn ra.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, vào mùa khô, hầu hết các hồ đập trên địa bàn tỉnh cạn kiệt khiến cho việc sản xuất và sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn. Từ tháng 5 đến cuối tháng 8 hàng năm, mặc dù chính quyền địa phương luôn nỗ lực bơm tưới nước cho cây, nhưng những người trồng chè ở xã Hương Trà, huyện Hương Khê vẫn không thể cứu vãn được tài sản của mình do khô hạn.
Ở tỉnh Quảng Bình, do nắng nóng kéo dài, vào các tháng 6, 7, 8 năm 2015, có hơn 3.500 hộ dân tại các xã vùng cồn bãi, ven sông Gianh, huyện Quảng Trạch và huyện Tuyên Hóa bị rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt trầm trọng. Hơn thế nữa, nhiệt độ cao diễn ra trong thời gian dài đã khiến cho mực nước ở các sông, suối, ao, hồ cạn kiệt. Nhiều nơi, các hộ dân đã phải đi mua nước ngọt từ các thuyền chở nước tới bán để phục vụ ăn, uống, tắm giặt hàng ngày. Bình quân mỗi khối nước ngọt ở đây, người dân phải mua từ 50.000 đồng đến 70.000 đồng.
Tại tỉnh Quảng Trị, vào mùa khô, người dân ở hầu hết khu vực ven biển phải đối diện với hiện trạng thiếu nước sinh hoạt dài ngày. Vào giữa mùa khô, các hệ thống cấp nước sinh hoạt của tỉnh gần như ngừng hoạt động do thiếu nước. Trong các tháng hè năm 2015, có khoảng 26.000 hộ dân tại thành phố Đông Hà phải trông chờ nguồn cấp nước từ các trạm bơm Gio Linh, sông Vĩnh Phước và đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề cấp nước sinh hoạt. Hầu hết các nguồn cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh gần như suy kiệt. Nếu nắng nóng kéo dài trong mùa khô, tỉnh Quảng Trị có khoảng 70.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt và hơn 10.000 ha đất nông nghiệp không thể sản xuất.
Trong những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đối mặt với nhiều thách thức về nước, các nguồn nước đang khai thác có những biểu hiện suy giảm trong khi dân số tăng nhanh, nhu cầu sử dụng nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện… ngày càng cao. Các dự án thủy điện, thủy lợi chặn dòng vào mùa khô lại làm cho vùng hạ lưu bị thiếu nước.
Đứng trước các thách thức về nguồn nước, để giảm bớt các khó khăn cho các tỉnh miền Trung, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ đã giành nhiều ưu tiên cho miền Trung từ cơ chế chính sách đến nguồn vốn để xây dựng nhiều chương trình tìm kiếm nguồn nước, giữ nước và cấp nước cho các địa phương trong vùng.
Bên cạnh việc tìm kiếm nguồn nước mới, trữ nước thì việc đảm bảo khai thác nước bền vững cũng được xác định quan trọng không kém việc tìm kiếm nguồn nước mới. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc giám sát tài nguyên nước mặt, nước ngầm để cung cấp thông tin về nguồn nước, phục vụ quản lý, khai thác và phát triển các nguồn nước trong vùng đã ngày càng được quan tâm hơn.
Tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020 đã xác định rõ giai đoạn 2016 – 2020 sẽ “Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả các trạm quan trắc trong Quy hoạch, bảo đảm tính hợp lý, thống nhất, đồng bộ, hiện đại của mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia”, trong đó có quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất. Theo Quy hoạch, khu vực Bắc Trung Bộ có 96 điểm quan trắc tài nguyên nước dưới đất, đến nay đã xây dựng và đưa vào vận hành được 26 điểm.
Với những thực tế khó khăn về tài nguyên nước của khu vực miền Trung nói chung và vùng Bắc Trung Bộ nói riêng, việc đảm bảo thông tin nguồn nước để từ đó định hướng giải pháp cho quản lý và phát triển nguồn nước dưới đất trong vùng là thực sự cần thiết. Để làm tốt được nhiệm vụ đó thì việc đầu tư hoàn thiện mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất toàn quốc, ưu tiên cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt cho vùng Bắc Trung Bộ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là việc cần làm ngay và có tính cấp thiết cao.
Trước thực trạng đó, thời gian vừa qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã xây dựng thuyết minh Dự án ”Xây dựng mới 70 điểm quan trắc tài nguyên nước dưới đất thuộc khu vực Bắc Trung Bộ” để trình Bộ phê duyệt. Dự kiến sau khi hoàn thành, Dự án sẽ góp phần hoàn thiện công tác xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 70 điểm quan trắc (gồm 122 công trình quan trắc nước dưới đất vùng Bắc Trung Bộ theo Quyết định số 16/2007/QĐ-TTG ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ).