Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia triển khai thi công tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.

Gia Lai và Đăk Lăk là hai trong số 05 tỉnh Tây Nguyên chịu hạn hán khốc liệt nhất trong năm 2016. Thi công tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt chống hạn trên địa bàn vùng Kông Htok (huyện Chư Sê), Đê Ar (huyện Mang Yang) tỉnh Gia Lai và Ea Kly- Krông Buk (huyện Krông Păk), Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) tỉnh Đăk Lăk là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia đang triển khai thực hiện trong tháng 4 và tháng 5 năm 2016.

Phối hợp với địa phương trong công tác chống hạn

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 04/02/2016 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và Thông báo số 58/TB-VPCP ngày 29/3/2016 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tháng 3/2016, Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia đã gửi các bản đồ phân bố nước ngọt của từng tầng chứa nước, ở các độ sâu khác nhau; các tài liệu về kết quả điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên địa bàn và thống kê chiều sâu phân bố theo từng tỉnh để cung cấp thông tin cho UBND các tỉnh Tây Nguyên, chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các Sở, Ban, ngành tập trung khoan giếng tìm kiếm nguồn nước dưới đất, kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

Để đáp ứng thông tin phục vụ cảnh báo hạn hán ở khu vực Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã có các bản tin cảnh báo và dự báo về tình hình hạn hán ở Tây Nguyên; Trung tâm đã phối hợp với Cục QLTNN có báo cáo chi tiết thông báo toàn bộ tình hình hạn hán, diễn biễn mực nước và chất lượng nước ở khu vực Tây Nguyên cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời Trung tâm cũng xây dựng và trình Bộ TNMT báo cáo đề xuất giải pháp phòng, chống hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên để Bộ báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ (ngày 24/3/2016).

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã cử 02 cán bộ của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung tham gia Tổ công tác của Bộ TNMT Hỗ trợ Kỹ thuật trong việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên (Quyết định số 843/QĐ-BTNMT ngày 13/4/2016 của Bộ TNMT). Tổ công tác có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật bố trí giếng, kỹ thuật khảo sát, thăm dò, thi công, kết cấu giếng và những vấn đề liên quan đến việc khoan giếng, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hạn hán khu vực Tây Nguyên.

Cũng trong tháng 3/2016, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ TNMT, Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia đã chỉ đạo Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung phối hợp với Sở TNMT các tỉnh Tây Nguyên tiến hành lựa chọn các vùng có nhu cầu cấp bách về nước sinh hoạt tại các tỉnh bị hạn hán (Tây Nguyên) để tiến hành ngay việc rà soát và khảo sát thực địa các vùng đã chọn để làm rõ các thông tin về số dân thiếu nước, điều kiện cơ sở hạ tầng (giao thông, lưới điện), vị trí xây trạm và điều kiện vận hành trạm cấp nước sau khi hoàn thành.

Trên cơ sở báo cáo kế hoạch thi công phục vụ chống hạn năm 2016 thuộc nội dung dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước” và kết quả thống nhất với Sở TNMT tỉnh Gia Lai, tỉnh Đăk Lăk, đầu tháng 4/2016, Trung tâm đã chỉ đạo Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung khẩn trương tổ chức triển khai thi công tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn tại 02 vùng thuộc tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk.

Thi công khoan tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt chống hạn trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk

Ngày 10/4/2016, Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung, đơn vị trực thuộc Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia đã tiến hành thi công khoan tại vùng Kông Htok (huyện Chư Sê), Đê Ar (huyện Mang Yang), tỉnh Gia Lai và vùng Ea Kly- Krông Buk (huyện Krông Păk), Tân Hòa (huyện Buôn Đôn), tỉnh Đăk Lăk.

Anh_Thanh_

Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia Tống Ngọc Thanh đi kiểm tra việc thi công tại
Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (ngày 19/4/2016)

Vùng Kông Htok, xã Kông Htok, huyện Chư Sê

Vùng Kông Htôk, thuộc xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku 40km về phía nam. Dân số toàn xã là 5.417 người, diện tích 28,3 km², mật độ dân số 141 người/km².

Sau khi làm việc với địa phương (UBND xã), Trung tâm thống nhất chọn vị trí dự kiến đặt các lỗ khoan tìm kiếm – khai thác nước dưới đất và vị trí xây dựng trạm cấp nước tại khu vực điểm trường làng Chư Ruồi để phục vụ cấp nước cho nhân dân hai làng Chư Ruồi và làng Sul. Số dân thiếu nước của hai làng khoảng 3.100 người; đại đa số (khoảng 95%) là dân tộc Bana và Jarai, đời sống khá nghèo. Theo thiết kế trong dự án, diện tích điều tra, tìm kiếm nước dưới đất vùng Kông Htôk là 11km2.

GiaLai_5

Thi công tại Kông Htok, huyện Chư Sê

Vùng Đê Ar, xã Đê Ar, huyện Mang Yang

Vùng Đê Ar thuộc xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 60km về phía Đông Nam; cách trung tâm huyện Mang Yang khoảng 20m về phía Nam. Diện tích toàn xã khoảng 89 km², dân số 3.700 người, mật độ 41 người/km². Xã có 10 thôn, phân bố dọc đường liên huyện chạy qua trung tâm xã. Trong đó, 2 thôn đông dân nhất là Ar Sek và Ar Sơ Tôk phân bố ở trung tâm xã, với dân số khoảng 1650 người; 8 thôn còn lại phân bố rải rác, dân số mỗi thôn khá ít, chỉ từ 120-300 người.

Sau khi làm việc với địa phương (UBND xã), Trung tâm thống nhất chọn vị trí dự kiến đặt các lỗ khoan tìm kiếm- khai thác nước dưới đất và vị trí xây dựng trạm cấp nước tại khu vực trung tâm của xã, cũng là khu vực tập trung dân cư đông nhất của hai làng Ar Sek và Ar Sơ Tôk. Số dân thiếu nước của hai làng Ar Sek và Ar Sơ Tôk khoảng 1.650 người; đại đa số (khoảng 95%) là dân tộc Bana và Jarai, đời sống khá nghèo. Theo thiết kế trong dự án, diện tích điều tra, tìm kiếm nước dưới đất vùng Đê Ar là 4km2.

Chu_Se-_Gia_lai

Ông Nguyễn Lưu, Liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung chỉ đạo thi công

Vùng Ea Kly- Krông Buk, huyện Krông Păk

Vùng Ea Kly – Krông Buk thuộc huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk cách trung tâm thị trấn Krông Păk khoảng 15 km về phía Đông Bắc. Diện tích tự nhiên khoảng 105km2. Dân cư tập trung chủ yếu là người Kinh, Ê Đê, Thái, Tày, Nùng. Hiện tại trong vùng có khoảng 5.350 người thiếu nước sinh hoạt. Nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt của vùng đến năm 2030 khoảng 613 m3/ng.

Sau khi làm việc với địa phương, Trung tâm thống nhất chọn vị trí dự kiến đặt các lỗ khoan tìm kiếm- khai thác nước dưới đất và vị trí xây dựng trạm cấp nước tại hai cụm. Cụm 1, gồm 2 lỗ khoan VCDL1, VCDL2 và một trạm cấp nước tại khu vực UBND xã và nhà cộng đồng buôn M’Bê thuộc xã Krông Buk; khả năng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2500 người; Cụm 2, gồm 2 lỗ khoan VCDL3, VCDL4 và trạm cấp nước tại khu vực trung tâm xã Ea Kly; khả năng cấp nước sinh hoạt cho khoảng 2800 người. Theo thiết kế trong dự án, diện tích điều tra, tìm kiếm nước dưới đất vùng Ea Kly – Krông Buk là 11,2km2.

anh_Luu_n

Lãnh đạo Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung và Chủ nhiệm dự án thành phần kiểm tra thi công tại tỉnh Đăk Lăk.

VùngTân Hòa, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn

Vùng Tân Hòa thuộc xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. Xã có diện tích tự nhiên 56,98 km², dân số 11640 người, mật độ dân số đạt 151 người/km².

Sau khi làm việc với địa phương (UBND xã), Trung tâm thống nhất chọn vị trí dự kiến đặt các lỗ khoan tìm kiếm- khai thác nước dưới đất và vị trí xây dựng trạm cấp nước tại khu vực trung tâm của xã, nơi tập trung khá đông dân cư của thôn 9 và thôn 10 với tổng số dân khoảng 400hộ/2000 dân, đây cũng là khu vực tập trung dân cư đông nhất của vùng (theo tính toán, nhu cầu nước sinh hoạt đến năm 2030 khoảng 230 m3/ng). Đây là vùng khô hạn khá gay gắt của huyện .Theo thiết kế trong dự án, diện tích điều tra, tìm kiếm nước dưới đất vùng Tân Hòa là 7,5km2.

Vị trí dự kiến đặt trạm cấp nước tại các vùng thi công là khu vực trung tâm của xã, địa hình tương đối bằng phẳng, diện tích khá rộng rãi, giao thông thuận lợi.

13012863_10204398977693569_5310870297770059712_n

Máy khoan của Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung đang thi công

Nhằm kịp thời tạo nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt trong tình hình hạn hán nghiêm trọng tại các vùng thi công, Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia chỉ đạo Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Trung tập trung nhân lực, máy móc để khẩn trương thi công, dự kiến thời gian hoàn thành các dạng công việc là trong tháng 5/2016. Sau khi hoàn thành lỗ khoan khai thác nước, Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia sẽ tiến hành bàn giao ngay cho địa phương khai thác cấp nước sinh hoạt kịp thời cho nhân dân tại địa bàn tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk./.

(Thanh Loan- VP NAWAPI)