Tổng quan về tác động của biến đổi khí hậu đến lưu vực sông Srêpok

Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Với những tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế – xã hội và môi trường toàn cầu, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều thiên tai và hiểm họa cho nhiều nơi trên thế giới như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng kéo dài hay sự đe dọa về vật chất và tính mạng con người của những trận bão lớn. Tây Nguyên nói chung và lưu vực sông Srêpok nói riêng là một trong những vùng chịu sự tác động lớn của Biến đổi khí hậu. Với xu hướng lượng mưa tăng cao vào mùa mưa và giảm mạnh vào mùa khô đã dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng cho lưu vực sông nghiên cứu vào mùa khô. Đặc biệt những năm gần đây, diễn biến mưa thất thường đã gây nên tình trạng mùa khô kéo dài, nhiệt độ tăng cao và hạn hán xảy ra thường xuyên trên lưu vực sông Srêpok. Vì lưu vực sông Srêpok là lưu vực kín nên tài nguyên nước mưa sẽ có vai trò quan trọng và là nguồn nước duy nhất để bổ sung và cung cấp nước cho toàn lưu vực. Chính vì thế đánh giá tác động của Biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước mưa lưu vực sông Srêpok sẽ là cơ sở khoa học cho việc tính toán cân bằng nước và lập kế hoạch phân bổ nguồn nước cho các kỳ quy hoạch của lưu vực sông Srêpok.

Lưu vực sông Srêpok nằm trên địa bàn 4 tỉnh là Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm
Đồng. Lượng mưa trung bình năm tại 4 Tỉnh thuộc lưu vực sông Srêpok tăng đáng kể. Giai đoạn những năm 2016 – 2050 so với giai đoạn nền 1986 – 2005 có những biến động về lượng mưa như sau:

Mức biến đổi lượng mưa trung bình năm tại các trạm khí tượng (%) so với kịch bản nền (1986-2005)
13dth

– Tại Gia Lai lượng mưa tăng 8,3 % ứng với kịch bản trung bình RCP 4.5 và 10 % ứng với kịch bản cao RCP 8.5.

– Tại Đăk Lăk lượng mưa tăng 6,5 % ứng với kich bản RCP 4.5 và 5,3 % ứng với kịch bản cao RCP 8.5.

– Tại Lâm Đồng lượng mưa tăng 3,9 % ứng với kịch bản RCP 4.5 và 4,7 % ứng với kịch bản cao RCP 8.5

– Tại Đăk Nông lượng mưa tăng 6,5 % ứng với kịch bản RCP 4.5 và 5,0 % ứng với kịch bản cao RCP 8.5.

Theo bảng dự báo mưa của các trạm khí tượng tại các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng trên lưu vực sông Srêpok cho thấy lượng mưa vào mùa hè và mùa thu đa phần đều có xu thế tăng so với kịch bản nền 1986 – 2005, đặc biệt là các giai đoạn sau có xu hướng tăng nhiều hơn các giai đoạn trước. Ngược lại, về mùa Đông, lượng mưa giai đoạn 2016 – 2035 giảm so với giai đoạn 1986 – 2005. Tuy nhiên các giai đoạn sau được dự đoán là có xu hướng tăng so với giai đoạn nền 1986 – 2005.

Áp dụng kịch bản trên cho 10 Vùng khai thác và sử dụng tài nguyên nước của lưu vực sông Srêpok được kết quả như sau: giai đoạn 2016-2035 lượng mưa năm tăng khoảng 6,8 %, giai đoạn 2046-2065 tăng khoảng 9,3 %, và giai đoạn 2080-2099 tăng khoảng 10,4 %.

Theo kịch bản RCP 4.5, giai đoạn 2016 – 2035 khu vực có lượng mưa tang nhiều nhất khoảng 8,3% là Vùng I, Vùng II, Vùng IIIa và Vùng IIIb. Vùng VIa là Vùng có lượng mưa tăng thấp nhất trên toàn lưu vực sông chỉ khoảng 3,9%. Tuy nhiên, xu hướng lượng mưa tăng nhiều vào mùa mưa (từ tháng V đến tháng X) và giảm tương đối vào mùa khô sẽ có thể là nguyên nhân tăng nguy cơ thiếu nước cục bộ cho một vài vùng trên lưu vực nghiên cứu vào mùa khô.

Tác động trực tiếp và gián tiếp của Biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước tại lưu vực sông Srêpok sẽ có thể dẫn đến khan hiếm nguồn nước mặt vào mùa khô. Do thiếu nguồn nước bổ sung nên nước ngầm sẽ bị suy giảm cả lượng và chất. Ngược lại, sự dư thừa nguồn nước mặt vào mùa mưa sẽ gây ra lũ lụt, xói mòn bề mặt và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước
mặt và nước ngầm. Có thể cho rằng, Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây nên mất cân bằng
nước giữa các Vùng trong lưu vực sông Srêpok. Ngoài ra, Biến đổi khí hậu còn làm tăng sự phân bố mưa không đều trong không gian và lượng mưa biến đổi mạnh theo thời gian.