Nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, vùng đồng bằng có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Nơi đây thường tập trung dân cư và phát triển nhiều loại hình kinh tế. Ở nước ta, vùng Đồng bằng sông Hồng đang được xem là vùng quan trọng tiềm ẩn nhiều triển vọng phát triển các ngành kinh tế tiến tới xây dựng nền kinh tế biển vững mạnh. Chính vì các lý do trên mà nhu cầu về nước cho dân sinh và cho phát triển kinh tế rất lớn. Song thực tế lại đang tồn tại trữ lượng nước nhạt vùng Đồng bằng sông Hồng lại đang có nguy cơ giảm sút do sự xâm nhập mặn. Nhiều nước trên thế giới đã phải nghiên cứu công nghệ điều chế nước biển thành nước nhạt để ăn uống mặc dù giá thành quá cao.
Nhiều năm qua, nhà nước ta đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu địa chất thuỷ văn (lập bản đồ địa chất thuỷ văn tỷ lệ 1:200.000 phủ kín đồng bằng, loại tỷ lệ 1:50.000 phủ 42,46% diện tích, 18 vùng tìm kiếm thăm dò nước dưới đất, xây dựng và quản lý mạng quan trắc động thái toàn đồng bằng…). Thành quả lớn nhất đến nay cho thấy nguồn tài nguyên nước dưới đất ở nhiều khu vực đã và đang bị nhiễm mặn, hoặc có dấu hiệu bị nhiễm mặn. Sự có mặt của các diện tích nơi có tầng chứa nước bị mặn và hiện tượng nhiễm mặn các tầng chứa nước đang diễn ra tại một số tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Hồng. Hải Phòng và Nam Định là những vùng có đặc điểm thủy địa hóa phức tạp, tầng chứa nước Holocen và Pleistocen hầu hết đã bị mặn, nước nhạt chỉ tồn tại ở dạng thấu kính. Tại Thái Bình tầng chứa nước Pleistocen nhạt phân bố tập trung ở phía Bắc của tỉnh, với trữ lượng tiềm năng khai thác công nghiệp, nhưng nếu không có các biện pháp ngăn ngừa sẽ có nguy cơ nhanh chóng bị xâm nhập mặn. Theo kết quả quan trắc tài nguyên và môi trường nước dưới đất Đồng bằng Bắc Bộ năm 2015 tốc độ hạ thấp mực nước do khai thác nước trung bình từ năm 1993 đến nay vào khoảng 0,6m/năm.
Vùng Đồng bằng sông Hồng có hàng loạt các đồng bằng cấu tạo bởi các trầm tích Kainozoi bở rời được phân chia thành 5 tầng chứa nước lỗ hổng nằm trên các đá cố kết khác nhau. Tầng chứa nước Holocen (qh) nằm ở trên cùng của mặt cắt phân bố rộng rãi, nước nhạt chỉ tồn tại ở dạng thấu kính, nước mặn và nước nhạt phân bố xen kẽ nhau cả theo diện và mặt cắt nên có trữ lượng nước nhạt không lớn. Do đó cần phải có quy trình công nghệ tích trữ nước nhạt trong các tầng chứa nước bị mặn để làm cho nguồn nước vào mùa mưa được lưu giữ lại trong các tầng chứa nước nhiễm mặn, cải thiện chất lượng nước đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng vào mùa khô.
Như vậy vấn đề ở đây không phải là vùng Đồng bằng sông Hồng thiếu nước, mà là thiếu quy trình công nghệ tích trữ nước nhạt trong các tầng chứa nước mặn, thiếu giải pháp điều phối nguồn nước giữa các mùa, thiếu giải pháp quy hoạch phát triển nguồn nước, để làm cho nguồn nước vào mùa mưa được lưu giữ lại trong các tầng chứa nước bị nhiễm mặn, cải thiện chất lượng nước đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng vào mùa khô.
Trên thế giới hiện đang nghiên cứu các công nghệ tích trữ nước ngọt:
– Nghiên cứu mô hình công nghệ thu gom nước bằng hệ thống hào, rãnh thu nước để lưu trữ trong các tầng chứa nước mặn;
– Nghiên cứu mô hình công nghệ thu gom nước bằng phương pháp bể thấm để lưu trữ trong các tầng chứa nước mặn;
– Nghiên cứu mô hình công nghệ thu gom nước bằng các giếng đào để lưu trữ trong các tầng chứa nước mặn;
– Nghiên cứu mô hình công nghệ thu gom nước bằng các giếng bơm ép nước để lưu trữ trong các tầng chứa nước mặn;
– Nghiên cứu khảo sát, đo địa vật lý để có bộ số liệu nền về cấu trúc địa chất – địa chất thủy văn, ranh giới mặn nhạt của khu vực thử nghiệm và thông số đầu vào về nhiễm mặn nước dưới đất.
Để thực hiện, cần khảo sát bổ sung hiện trạng khai thác nước dưới đất khu vực thử nghiệm, địa vật lý để xác định chiều sâu phân bố tầng chứa nước được tích trữ và ranh giới mặn nhạt nước dưới đất để tính toán thiết kế các hệ thống công trình bổ sung nước ngọt cho nước dưới đất. Nội dung khối lượng công việc cần thực hiện như sau: Khảo sát, đo địa vật lý bổ sung (đo sâu điện, đo phân cực) để nghiên cứu điều kiện, cấu trúc địa chất – địa chất thủy văn, ranh giới mặn nhạt của khu vực thử nghiệm và thông số đầu vào về nhiễm mặn nước dưới đất.
– Xây dựng mô hình dòng chảy nước dưới đất và mô hình lan truyền vật chất để dự báo khả năng hòa trộn nước mặt với nước dưới đất với các kịch bản nước dưới đất có độ tổng khoáng hóa khác nhau để thiết kế xây dựng mô hình công nghệ tích trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn một cách hiệu quả.
– Thiết kế và mô hình thí điểm công nghệ lưu trữ nước ngọt trong tầng chứa nước mặn.
Có thể áp dụng được ngay quy trình công nghệ này để tạo ra được các kho lưu trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn phục vụ khai thác trước mắt cho các mục đích nhằm ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế của địa phương và tạo nguồn nước ngầm dự phòng trong điều kiện nguồn nước mặt không có khả năng khai thác sử dụng.
Tạo ra được các kho lưu trữ nước ngọt trong các tầng chứa nước mặn vào mùa mưa và khai thác vào mùa khô. Đây cũng là nguồn nước có thể khai thác trước mắt và dự phòng trong điều kiện hạn hán, biến đổi khí hậu bất thường phục vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế ở các vùng Đồng bằng sông Hồng.