Hiện nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều vùng trên lãnh thổ Việt Nam có lượng mưa giảm rõ rệt. Các tỉnh miền trung từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, vốn trước kia có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô rõ rệt, mùa khô rất khan hiếm nước mưa và nước mặt, thì nay mùa mưa ngắn hơn, mùa khô dài hơn. Có những nơi có năm 6 tháng liên tục không có mưa. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sản xuất, kinh doanh của người dân địa phương. Nhu cầu nước trên địa bàn này là rất lớn cho sinh hoạt và hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Dải đất đồng bằng miền trung nhỏ hẹp, xen kẹp giữa các vùng núi, là nơi các tuyến đường trục bắc nam đi qua, nên tập trung lượng dân cư lớn. Rất nhiều thị tứ, thị trấn, thành phố được thành lập trên dải đất đồng bằng nhỏ hẹp này. Với sự tập trung dân cư mật độ cao, càng làm tăng nhu cầu sử dụng nước tại khu vực.
Không chỉ có nhu cầu trong sinh hoạt hằng ngày và sản xuất nông nghiệp truyền thống, với sự phát triển chung của xã hội, nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp cũng hình thành và hoạt động, làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước.
Trước áp lực đó, do sự khan hiếm của nước mặt, một nhu cầu tất yếu hình thành tự phát, đó là nhu cầu khai thác và sử dụng nước dưới đất. Rất nhiều lỗ khoan tự phát đã hoạt động, hàng ngày khai thác và sử dụng một lượng nước lớn trong vùng đồng bằng ven biển miền trung. Nhiều lỗ khoan đang tiếp tục được triển khai. Điều này làm sụt giảm nghiêm trọng mực nước dưới đất.
Không chỉ làm sụt giảm mực nước, gây nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, việc khai thác và sử dụng nước dưới đất một cách tự phát còn gây ra nhiều hệ lụy khác. Nguồn nước mặt đang ngày càng ô nhiễm do hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người. Khai thác nước dưới đất tự phát và ồ ạt đã làm cho nước dưới đất ô nhiễm theo, không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực được khai thác, mà còn gây ô nhiễm đến các vùng ảnh hưởng xung quanh khu vực.
Dải đất đồng bằng miền trung từ Đà Nẵng đến Bình Thuận nằm sát biển, có những nơi chỉ hẹp 8km. Với tình trạng khai thác nước dưới đất như hiện nay, mực nước dưới đất giảm, giảm áp lực nước trong lục địa dẫn đến tình trạng thẩm thấu nước mặn, nhiều vùng đã bị xâm nhập mặn trên diện tích lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn nước.
Để đảm bảo an toàn và an ninh nguồn nước, rất cần thiết phải triển khai công tác quản lý đối với hoạt động khai thác và sử dụng nước dưới đất. Dự án “ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ XÁC ĐỊNH VÙNG CẤM, VÙNG HẠN CHẾ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRONG CÁC TẦNG CHỨA NƯỚC TRẦM TÍCH ĐỆ TỨ VÀ NEOGEN TỪ ĐÀ NẴNG ĐẾN BÌNH THUẬN” đã được triển khai, là một dự án quan trọng và cấp thiết.
Dự án được xây dựng trên một nền tảng vững chắc với đầy đủ căn cứ khoa học và pháp lý như Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, Quyết định số 2269/QĐ-BTNMT ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chế quản lý các đề án, dự án, nhiệm vụ chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thông tư số 20/2009/TT-BTNMT ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về Định mức kinh tế- kỹ thuật điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, v/v… Trong đó, đặc biệt là Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.
Mục tiêu của dự án là xác định vùng cấm khai thác, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, đồng thời cung cấp cơ sở khoa học về nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen từ Đà Nẵng đến Bình Thuận giúp các cơ quan quản lý nhà nước các cấp quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất ở từng vùng. Trong đó, mục tiêu cụ thể là điều tra, đánh giá trữ lượng nước và hiện trạng chất lượng nước, hiện trạng ô nhiễm nước, cũng như hiện trạng khai thác nước, cấp nước từ các dịch vụ cấp nước; nhu cầu sử dụng nước, xác định và lập danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trong các tầng chứa nước trầm tích Đệ tứ và Neogen tại khu vực dự án triển khai.
Đơn vị chủ trì dự án là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thực hiện bởi Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cùng sự phối hợp của nhiều đơn vị khác như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; và các đơn vị khác có liên quan.
Dự án tiến hành phân vùng điều tra thành 7 vùng, thu thập tài liệu, biên hội bản đồ ĐCTV các tầng chứa nước Neogen và Đệ tứ, điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất; hiện trạng chất lượng, ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất, thi công các dạng công tác phục vụ cho công tác xác định ranh giới xâm nhập mặn, quan trắc động thái nước dưới đất, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước dưới đất của các tầng chứa nước.