Các nghiên cứu về tài nguyên nước vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam đã chỉ ra được các vùng có tiềm năng khai thác các nguồn nước và định hướng khai thác sử dụng, tuy nhiên việc định hướng khai thác, sử dụng các nguồn nước tại vùng núi karst Đông Bắc Việt Nam chủ yếu được đưa ra từ kết quả điều tra, đánh giá cơ bản tài nguyên nước hoặc các nghiên cứu mang tính chất tổng hợp mà chưa được nghiên cứu cụ thể nguồn hình thành trữ lượng các nguồn nước, khả năng khai thác sử dụng bền vững của nguồn nước nên hiện nay nhiều công trình đã được đi vào khai thác tuy nhiên sau nhiều năm vận hành đến nay đã suy giảm về trữ lượng và chất lượng.
Do những đặc điểm riêng của vùng miền núi cao đá vôi karst cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam, như địa hình hiểm trở, nguồn nước mặt khan hiếm, nguồn nước ngầm phân bố ở sâu và khóa định vị, khó khai thác, nguồn nước mặt dễ bị ô nhiễm… nên việc tìm kiếm, khai thác và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn thiên nhiên, bảo bệ môi trường ở các vùng núi đá vôi karst Đông Bắc Việt Nam từ bao đời nay vẫn luôn là vấn đề nan giải. Trong nhiều năm, Chính phủ đã đầu tư nhiều chương trình, dự án nhằm tìm kiếm giải pháp khai thác nước hiệu quả bền vững nhưng có thể nói, về cơ bản đến nay vẫn chưa giải quyết được vấn đề này.
Do nước ngầm vùng karst Đông Bắc Việt Nam được hình thành, phân bố và vận động rất phức tạp nên việc áp dụng các phương pháp khai thác, sử dụng cũng hết sức khó khăn. Tùy từng vùng, điều kiện cụ thể có thể áp dụng các phương pháp khai thác sử dụng như giếng đào, giếng khoan… Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu, đánh giá tính bền vững trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước tại vùng núi karst Đông Bắc bằng các mô hình khai thác giếng đào, giếng khoan, mạch lộ…
Hiện nay, nhiều mô hình khai thác sử dụng nguồn nước đã và đang được áp dụng trên các vùng núi karst Đông Bắc từ cổ điển như các giếng đào, giếng khoan, mạch lộ, hồ treo… đến các mô hình công nghệ khai thác nước hiện đại như khai thác nước trong các hang động karst và trên mặt phục vụ bơm và cung cấp nước. Kết quả các mô hình khai thác cổ điển đến hiện đại cho thấy mặc dù đã mang lại những hiệu quả nhất định tuy nhiên nhiều mô hình do không được nghiên cứu, tính toán chi tiết nên hiệu quả công trình chưa cao, chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng. Do đó để thực hiện được giải pháp khai thác, sử dụng nguồn nước bền vững cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về nguồn nước. Những kết quả điều tra tài nguyên nước vùng karst Đông Bắc mới chỉ là những tính toán ban đầu, nhiều số liệu điều tra cơ bản chưa nêu ra được các nguồn hình thành trữ lượng nước dưới đất, quy luật phân bố và vận động của nước ngầm khu vực phân bố karst, khả năng tăng trữ lượng khai thác và khai thác bền vững nguồn nước như thế nào.
Từ thực tế đó đề tài:” Nghiên cứu giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại các vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam. Áp dụng thử nghiệm tại vùng cao nguyên đá Đồng Văn.” được để xuất. Để giải quyết được mục tiêu là xác lập được các giải pháp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại các vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam và đề xuất mô hình thích hợp khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước tại cao nguyên đá Đồng Văn. Đề tài dự kiến sẽ tiếp cận, nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề khoa học và thực hiễn sau:
– Thu thập các tài liệu điều tra cơ bản, các nghiên cứu trước đây về vùng Đông Bắc Việt Nam để đánh giá làm sáng tỏ đặc điểm sự phân bố và tiềm năng (trữ lượng và chất lượng) các nguồn nước khu vực Đông Bắc Việt Nam;
– Thu thập và điều tra “khoảnh chìa khóa” xác định hiện trạng các giải pháp và mô hình khai thác nước đã và đang được áp dụng khu vực Đông Bắc Việt Nam để nghiên cứu, đánh giá tập quán sử dụng nước, hiệu quả thực tế của các mô hình khai thác nước;
– Thu thập và nghiên cứu các giải pháp, mô hình khai thác nước bền vững đã được áp dụng trên thế giới và Việt Nam để xác định cơ sở khoa học đề xuất mô hình khai thác nước bền vững phục vụ phát triển kinh tế dân sinh tại khu vực cao nguyên đá Đồng Văn;
– Khảo sát, đo đạc chi tiết và tiến hành các thí nghiệm hiện trường như lấy mẫu phân tích đồng vị, quan trắc,… để xác định nguồn hình thành trữ lượng nước dưới đất, miền cung cấp, vận động của nước dưới đất trong quá trình khai thác nước từ các giếng khoan, mạch lộ khu vực thử nghiệm là trung tâm thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc;
– Tính toán xác định lưu lượng khai thác hợp lý từ các giếng khoan, mạch lộ tại vùng thử nghiệm để đề xuất giải pháp khai thác bền vững nguồn nước;
– Đánh giá hiệu quả công trình thử nghiệm và nghiên cứu các giải pháp để bảo vệ miền cấp cho nước dưới đất khu vực thử nghiệm khỏi nguy cơ suy ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước.