Ở nước ta, trong sự phát triển kinh tế của đất nước, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng. Tính tới nay cả nước có 63 tỉnh thành phố, trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương: thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ. Tính đến nay, cả nước đã có 725 đô thị, theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP thì có 2 đô thị loại đặc biệt, 3 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 37 đô thị loại III, 37 đô thị loại IV và 632 đô thị loại V. Các đô thị đã và đang trở thành các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của các tỉnh, các huyện và cả nước, đó cũng là nơi thu hút dân cư từ các vùng nông thôn làm cho mật độ dân cư ngày càng cao. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 1986 dân số của cả nước là 61,109 triệu người, trong đó dân số đô thị mới chỉ là 11,817 triệu người (chiếm 19,3% ), đến năm 2001, dân số cả nước là 78,7 triệu người, dân số đô thị là 23,4 triệu người (chiếm 34%). Dự tính đến năm 2020 dân số đô thị là 46 triệu người.
Với tốc độ đô thị hóa phát triển, sự gia tăng dân số ngày càng cao như hiện nay tại các đô thị ắt dẫn tới nhu cầu dùng nước không ngừng tăng cao. Theo thống kê sơ bộ, lượng nước khai thác sử dụng cho các đô thị từ vài trăm đến hàng trăm triệu m3/năm, trong đó khoảng 50% nguồn nước cung cấp cho các đô thị được khai thác từ nguồn nước dưới đất. Hầu hết nước dưới đất được khai thác từ các công trình khai thác nằm trong phạm vi của đô thị hoặc vùng phụ cận. Chỉ tính riêng thành phố Hà nội hiện đang khai thác khoảng 800.000m3/ngày (khoảng 300 triệu m3/năm ); thành phố Hồ Chí Minh khai thác khoảng 500.000m3/ngày (khoảng 200 triệu m3/năm). Các đô thị khu vực đồng bằng Nam bộ hiện đang khai thác khoảng gần 300.000m3/ngày (110 triệu m3/năm ).
Việc khai thác nước dưới đất để cung cấp cho các đô thị đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân đô thị. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nước, đô thị hóa, phát triển đô thị đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất, như :
– Khai thác vượt quá trữ lượng tiềm năng nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn tài nguyên nước;
– Khai thác thiếu quy hoạch, không theo quy hoạch hoặc thiếu đánh giá nguồn nước, đánh giá chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng tụt giảm mực nước, gây sụt lún mặt đất.
– Chưa xem xét đầy đủ vấn đề bảo vệ nước dưới đất khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, các đô thị. Nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất được xây dựng trong đới cung cấp cho nước dưới đất và trong phạm vi hoạt động của công trình khai thác nước tạo nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất.
– Công tác thu gom xử lý nước thải, chất thải rắn tại các đô thị còn nhiều điều bất cập dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm nguồn tài nguyên nước dưới đất.
– Tốc độ đô thị hóa tăng, quá trình bê tông hóa bề mặt phát triển dẫn đến diện tích cung cấp nước từ nước mưa, nước mặt cho nước nước dưới đất ngày càng bị thu hẹp, gây cạn kiệt nguồn bổ cập cho nước dưới đất.
– Đặc biệt với quá trình hiện đại hóa các đô thị ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều nhà cao tầng mọc lên với hệ thống các các lỗ khoan khảo sát địa chất công trình, hệ thống móng khoan cọc nhồi được phát triển. Đây cũng chính là một trong những con đường dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất chưa được quan tâm và quản lý.
Từ thực tế đó để góp phần đảm bảo phát triển đô thị một cách lâu bền, cần sớm có chiến lược và các đề án cụ thể bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất quí giá này. Chính vì vậy, trong chiến lược Quốc gia về tài nguyên nước tới năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 đã xác định đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” thuộc danh mục các đề án, Đề án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2006 – 2010 . Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31/12/2008 ban hành quy định về việc bảo vệ nước dưới đất nói chung trong đó có khu vực các đô thị