Quy trình mẫu trong việc lựa chọn phương án quy hoạch tài nguyên nước

Quy hoạch LVS Hồng – Thái Bình là một trong những dự án lớn và trọng điểm của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia. Đây là một dự án được Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm với những chỉ đạo sát sao. Việc lập quy hoạch LVS Hồng – Thái Bình cũng được Trung tâm QH&ĐT TNN QG ưu tiên với mục tiêu sẽ là một quy hoạch quy chuẩn và mang tính mẫu mực cho các quy hoạch về TNN sau này.

Quá trình xây dựng, phân tích, đánh giá, lựa chọn các phương án quy hoạch là một quá trình lặp như sau:

– Trước hết, việc xây dựng các phương án quy hoạch về phân bổ, bảo vệ nguồn nước, phòng chống tác hại do nước gây ra phải trên cơ sở hiện trạng kinh tế – xã hội, tình hình khai thác, sử dụng, quản lý TNN; xu thế biến đổi TNN, dự báo nhu cầu nước; các công trình khai thác, sử dụng nước dự kiến; chức năng nguồn nước đã được xác định; và mục tiêu của quy hoạch;

– Tiếp đến là phân tích đánh giá tác động của các phương án quy hoạch đến kinh tế, xã hội, môi trường;

– Trong những trường hợp nếu tác động tiêu cực của các phương án quy hoạch đến kinh tế, xã hội, môi trường không chấp nhận được, thì các phương án quy hoạch cần phải được xem xét lại.

DL153

Quá trình lựa chọn phương án quy hoạch phải được thực hiện có sự tham gia của tất cả các bên liên quan để cùng nhau xem xét phương án quy hoạch được lựa chọn dựa trên cở sở các yếu tố sau:

– Đạt được yêu cầu giải quyết vấn đề về TNN đặt ra trong kỳ quy hoạch;

– Bảo đảm đạt được mục tiêu của quy hoạch;

– Tuân thủ quy trình tham vấn và thủ tục pháp lý theo quy định;

– Xem xét đầy đủ các tác động, có khả năng ứng phó với biến động và những tình huống bất trắc có thể xảy ra trong kỳ quy hoạch;

– Hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan;

– Khả thi trong tổ chức thực hiện quy hoạch.

Cuối cùng, các phương án quy hoạch được lựa chọn sẽ là cơ sở để đề xuất các giải pháp thực hiện, quản lý, giám sát quy hoạch.