Quy hoạch lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình: Các quan điểm chính.

LVS Hồng- Thái Bình gồm hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình: Sông Hồng do các sông Thao, Đà, Lô hợp thành; Hệ thống sông Thái Bình nằm hoàn toàn trên lãnh thổ Việt Nam và cũng được hình thành từ 3 nhánh sông lớn là các sông Cầu, Thương và Lục Nam, gặp nhau tại Phả Lại tạo thành dòng chính sông Thái Bình.

Phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch là toàn bộ lưu vực sông Hồng – Thái Bình với tổng diện tích 169.000 km2 (gồm cả phần diện tích lưu vực thuộc Trung Quốc và Lào). Phạm vi lập Quy hoạch là phần lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam với diện tích tự nhiên 88.680 km2, gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hoà Bình.

Đứng trên quan điểm quy hoạch tài nguyên nước, việc lập quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình được lập dựa trên các tiêu chí sau:

– Phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, của vùng đồng thời có xem xét, liên kết với các quy hoạch chuyên ngành, các đề xuất khai thác, sử dụng nước  trên LVS Hồng – Thái Bình theo hướng bền vững;

– Sử dụng, phát huy những lợi thế tiềm năng của các nguồn nước trên lưu vực cho phát triển kinh tế – xã hội, từng bước giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước trên LVS Hồng – Thái Bình; bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng;

– Huy động nguồn lực xã hội tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến nguồn nước trên LVS Hồng – Thái Bình;

– Xét đến các tác động của biến đổi khí hậu và các biến động về tự nhiên, kinh tế – xã hội trên LVS Hồng – Thái Bình.

Với các quan điểm trên, quá trình lập Quy hoạch TNN LVS Hồng – Thái Bình sẽ được thực hiện theo các cách tiếp cận sau đây:

– Phân tích, đánh giá hiện trạng vùng quy hoạch trên cơ sở kế thừa có chọn lọc kết quả từ các dự án, nghiên cứu đã thực hiện trên vùng Quy hoạch, đồng thời điều tra, khảo sát bổ sung số liệu, tài liệu cần thiết.

– Xây dựng kịch bản và xác định tầm nhìn cho Quy hoạch TNN LVS Hồng – Thái Bình trên cơ sở xem xét, phân tích các yếu tố chi phối, tác động từ bên ngoài (biến đổi khí hậu, lượng nước đến từ phần LVS thuộc Trung Quốc) và các yếu tố chi phối, tác động ngay trong nội tại của LVS (phát triển kinh tế – xã hội, biến đổi lòng dẫn sông, …). Kịch bản của Quy hoạch là các tình huống có thể xảy ra trong điều kiện bình thường cũng như trong điều kiện cực đoan. Kịch bản của Quy hoạch TNN LVS Hồng – Thái Bình là tổ hợp của các yếu tố chi phối được xem xét, lựa chọn một cách hợp lý.

– Tiếp cận theo các nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phát triển bền vững để giải quyết các vấn đề về TNN trên LVS Hồng – Thái Bình và các nội dung, yêu cầu của dự án.

– Xây dựng các phương án phân bổ nguồn nước, bảo vệ TNN, phòng chống tác hoại do nước trên cơ sở các nguyên tắc ưu tiên và có sự đồng thuận của các hộ dùng nước thông qua hội thảo lấy ý kiến về các phương án quy hoạch tài nguyên nước được đề xuất.

– Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và nước ngoài.