Nước dưới đất ở đô thị Vĩnh Yên cần được bảo vệ

Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vành đai phát triển của trung tâm kinh tế trọng điểm Miền Bắc, là vùng lan tỏa của tam giác kinh tế: Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long. Thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 23 tháng 10 năm 2014.

Thành phố Vĩnh Yên – tỉnh Vĩnh Phúc.

Việc khai thác nước dưới đất để cung cấp cho đô thị đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác nước đã nảy sinh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu tới nguồn tài nguyên nước dưới đất như: cạn kiệt nguồn nước, gia tăng quá trình ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất, sụt lún mặt đất. Vì vậy, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết cho sự phát triển bền vững tại địa phương.

Hiện nay, tầng chứa nước chính đang khai thác tại đô thị Vĩnh Yên là qp, qh và đây cũng là 2 tầng chưa nước chính cần được bảo vệ. Trên vùng nghiên cứu có 40 lỗ khoan nghiên cứu cấu trúc địa chất thủy văn, trong đó có 1 chùm hút nước thí nghiệm trong tầng chứa nước qp, 39 lỗ khoan hút nước đơn trong tầng chứa nước qp và pr. Trong báo cáo đề xuất xây dựng hành lang khai thác để cung cấp nước ở phía nam thành phố Vĩnh Yên dài 3.300m, gồm 20 lỗ khoan với trữ lượng khai thác theo tính toán là 25.000m3/ng. Trữ lượng cấp C2 = 570.000 m3/ngày đêm. Hiện trạng khai thác nước tập trung đang vận hành hệ thống cấp nước chủ yếu do 2 công ty: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc và Công ty Cổ phần Nước sạch Vĩnh Phúc vận hành và quản lý. Tổng hợp kết quả thu thập tài liệu cho thấy trên phạm vi nghiên cứu có 5 trạm cấp nước tập trung với tổng lưu lượng khai thác hiện nay là 26.000m3/ngày đêm.

Lượng khai thác nước đơn lẻ gồm các giếng có công suất khác nhau nhưng phần lớn là dưới 1.000 m3/ngày, thường được cấp phép trước khi hoạt động nhưng ít chịu sự kiểm tra giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nên thường khó kiểm soát được lưu lượng khai thác và bảo vệ nguồn nước. Lưu lượng khai thác khoảng 4.615m3/ngày đêm.

Lượng khai thác nước nông thôn từ mỗi công trình nhỏ nhưng số lượng công trình rất lớn, nên tổng lượng nước dưới đất khai thác từ loại hình này rất lớn. Lưu lượng khai thác khoảng 52.410m3/ngày đêm.

Chất lượng nước dưới đất sơ bộ khu vực nghiên cứu cho thấy nước dưới đất bị ô nhiễm các chỉ tiêu kim loại nặng như As, Fe, Mn, Pb và coliform. Cụ thể là, hiện tượng ô nhiễm As được phát hiện ở địa bàn các huyện Vĩnh Tường và huyện Tam Đảo, tuy nhiên mức độ ô nhiễm nhẹ. Hiện tượng Fe hàm lượng cao vượt quá giới hạn cho phép được thấy ở rất nhiều điểm quan trắc thuộc các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Yên Lạc, Tam Đảo và thành phố Vĩnh Yên trong năm 2011 và 2012. Nguy cơ ô nhiễm Mn được ghi nhận tại các huyện Vĩnh Tường và Tam Dương. Hàm lượng Chì và Amoni vượt quá giới hạn cho phép tại khu vực phường Khai Quang.

Ngoài ra việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước trong vùng còn tồn tại một số vấn đề sau:

– Việc khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất chưa phù hợp, chưa tiết kiệm, chưa hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên nước;

– Việc xả nước thải còn gây ô nhiễm các nguồn nước, rất khó kiểm soát;

– Công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thiếu các cơ sở pháp lý mang tính tổng thể để đưa ra được các quyết định về cấp phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước và tình hình công tác quản lý nhà nước nói chung cũng thiếu các cơ sở liên quan đến tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước dưới đất nói riêng.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, tốc độ gia tăng dân số của thành phố Vĩnh Yên, đòi hỏi nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ngày càng tăng cả về số lượng cũng như chất lượng. Nhu cầu về nguồn nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều, nguy cơ thiếu nước đang trở nên phổ biến. Trước các vấn đề trên, bảo vệ nguồn nước dưới đất tại đô thị Vĩnh Yên là việc làm cấp bách và cần thiết nhằm phục vụ việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo an ninh quốc phòng; là tài liệu quan trọng phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý, khai thác và sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố.