Những tác động xấu của quá trình điều tra đánh giá nước dưới đất và các biện pháp bảo vệ nước dưới đất và môi trường

  • Những tác động xấu tới nước dưới đất và môi trường

Trong quá trình điều tra nguồn nước dưới đất của dự án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 4”, sẽ tiến hành tổ hợp các phương pháp điều tra, nghiên cứu ĐC thủy văn như điều tra khảo sát, đo sâu vật lý điện, đo carota lỗ khoan, khoan ĐCTV, hút nước thí nghiệm, lấy và phân tích mẫu nước các loại… Trong đó công tác khoan và hút nước thí nghiệm là 2 dạng công tác có khả năng gây tác động xấu đến môi trường xung quanh.

Dự án sẽ tiến hành khoan và hút nước 40 lỗ khoan tại 40 vùng thuộc 10 tỉnh. Một số yếu tố của công tác này có tác động đến môi trường và các tầng chứa nước trong các vùng điều tra là:

– Trong quá trình khoan thường dùng dung dịch sét bentonit và các hóa chất phụ gia khác. Dung dịch khoan một phần xâm nhập vào tầng chứa nước, phần còn lại được thải ra môi trường. Do vậy ít nhiều đã có ảnh hưởng đến tầng chứa nước và môi trường xung quanh trong phạm vi nhỏ (khoảng 80 – 100m2).

– Một số lỗ khoan phá mẫu, slam của lỗ khoan được đưa lên gây ảnh hưởng đến mặt bằng tự nhiên và cây trồng trong phạm vi thi công.

– Các lỗ khoan sẽ lắp đặt ống chống, ống lọc vào các tầng chứa nước, sẽ làm ảnh hưởng đến trạng thái cân bằng tự nhiên của các tầng chứa nước, làm tổn hại đến các tầng cách nước và giữa các tầng chứa nước với nhau.

– Do nhiều vùng có các tầng chứa nước mặn – nhạt xen kẹp, nên việc cách ly các tầng trên với tầng chứa nước khai thác không tốt, có thể làm nước của các tầng chứa nước mặn xâm nhập vào các tầng chứa nước nhạt.

– Đối với lỗ khoan bị lợ, khi hút nước thí nghiệm đã lấy lên một khối lượng nước có chất lượng xấu. Lượng nước này có thể ngấm vào đất gây ảnh hưởng không tốt đến các tầng chứa nước nằm nông, cũng có thể hòa vào nước mặt làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của cây trồng và vật nuôi gần phạm vi công trình.

– Trong thời gian hút nước đã làm giảm áp lực của tầng thí nghiệm, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến trạng thái cân bằng của các tầng chứa nước dưới đất. Tại những nơi có mái cách nước giữa các tầng chứa nước mỏng, hoặc các tầng chứa nước mặn nhạt đan xen nhau, có thể xảy ra quá trình ngấm của các tầng nước mặn vào tầng nước nhạt.

Ngoài ra lượng dầu mỡ thải ra trong quá trình khoan, hút nước thí nghiệm; khói bụi, tiếng ồn trong quá trình thi công cũng có thể gây ra tác động xấu đến môi trường xung quanh, đặc biệt là môi trường nước mặt, vật nuôi (thủy sản và thủy cầm), cây trồng …

  • Các biện pháp bảo vệ nước dưới đất và môi trường

Để giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường, nước mặt và nước dưới đất gây nên bởi hoạt động điều tra nguồn nước dưới đất, trong quá trình thi công dự án sẽ tiến hành các biện pháp bảo vệ sau:

– Các công trình khai thác được đặt xa các nguồn nhiễm bẩn: nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, nơi chứa chất thải rắn; các kho hoá chất độc hại; các điểm dễ xảy ra khả năng cháy, nổ.

– Đới phòng hộ vệ sinh phải tuân thủ theo Quy định bảo vệ nước dưới mà Bộ TN&MT đã ban hành.

– Trong quá trình thi công cũng như sau khi khoan, hút nước thí nghiệm, công tác vệ sinh công nghiệp sẽ được quan tâm đúng mức như: làm đường ống thải dung dịch trong quá trình khoan, trải nilon cách ly để dẫn nước trong quá trình hút nước thí nghiệm (với các lỗ khoan nước lợ và mặn), dọn sạch rác và chất thải như dung dịch sét bentonit và các hóa chất phụ gia khác, dầu mỡ…, nhằm đảm bảo sự trong sạch cho môi trường.

– Thực hiện đúng quy trình quy phạm trong quá trình thi công khoan và hút nước thí nghiệm, nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường xung quanh, nước mặt và các tầng chứa nước.

– Các lỗ khoan của dự án sau khi nghiên cứu nếu không gặp nước nhạt, không đưa vào khai thác phục vụ địa phương thì tiến hành lấp lỗ khoan bằng sét hoặc xi măng theo đúng quy trình kỹ thuật trám lấp giếng khoan mà Bộ TN&MT ban hành.

Một số vấn đề khác cần lưu ý trong công tác bảo vệ nước dưới đất và môi trường:

– Tại những vùng có ranh mặn nằm kề cần chú ý nguy cơ tụt mực nước dưới đất sẽ gây ra hiện tượng nhiễm bẩn, xâm nhập mặn từ trên xuống và theo chiều ngang.

– Các lỗ khoan hư hỏng cần tiến hành sửa chữa kịp thời hoặc trám lấp lỗ khoan đúng quy trình kỹ thuật.

– Lượng nước khai thác tại các lỗ khoan nên nhỏ hơn hoặc bằng lưu lượng nước khai thác đã bàn giao, để đảm bảo nguồn nước khỏi bị cạn kiệt và nhiễm bẩn do nguy cơ khai thác quá mức gây ra.