Nhiều hồ treo trên địa bàn Huyện Đồng Văn không có mước vào mùa mưa

Giải pháp cấp nước bằng hồ treo cho các vùng khan hiếm nước của tỉnh Hà Giang đã được nghiên cứu trong đề tài khoa học “Hồ treo cấp nước cho các vùng khan hiếm nước của tỉnh Hà Giang” được thực hiện bởi phòng Địa kỹ thuật – Viện Địa chất – Viện KH&CNVN từ năm 1998 do Tiến sỹ Vũ Cao Minh làm chủ nhiệm đề tài. Đến năm 2002 và 2005 hai hồ treo đã hình thành – đây là công trình điểm. Kết quả của đề tài cũng là thành công sau nhiều năm đầu tư trí tuệ công sức của tập thể cán bộ kỹ thuật phòng Địa kỹ thuật.

Mặt khác từ khi có chương trình xây dựng các hồ treo trên địa bàn huyện Đồng Văn đã thực sự mang lại hiệu quả giúp người dân địa phương có đủ nước sinh hoạt trong mùa khô. Tuy nhiên, đã có một vài hồ treo do nhiều nguyên nhân vào mùa mưa vẫn không tích được nước phục vụ cho người dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có tổng cộng 33 hồ treo các loại. Trong đó có 32 hồ đã được đưa vào sử dụng và 1 hồ đang trong quá trình xây dựng. Hồ treo được xây dựng sớm nhất từ năm 2002 đến nay đã trên 10 năm được đưa vào sử dụng. Đã có 18/19 xã, thị trấn của huyện được đầu tư xây dựng hồ treo, nhiều xã có đến 2 đến 3 hồ. Các hồ treo đã và đang sử dụng phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 2.500 hộ dân trên địa bàn huyện. Hồ treo đã thật sự giúp đỡ người dân bớt đi khó khăn vào mùa khô khi nước sinh hoạt trên địa bàn huyện khan hiếm. Bên cạnh rất nhiều hồ treo phát huy hiệu quả thì đã có một vài hồ treo không tích được nước do nhiều nguyên nhân.

13122017_5

Hồ treo Sà Phìn A xã Sà Phìn

(Trích theo nguồn trang thông tin điện tử www.hagiangtv.vn của đài phát thanh – truyền hình Hà Giang)

Hồ treo Sà Phìn A thuộc xã Sà Phìn được đưa và sử dụng từ năm 2009 do UBND huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng. Theo thiết kế, khi đi vào sử dụng hồ treo có thể cung cấp nước sinh hoạt cho hầu hết các hộ dân tại trung tâm xã. Tuy nhiên theo phản ánh của nhân dân, thì do nguồn nước cung cấp cho hồ đã cạn nên hồ tích được rất ít nước có khi chưa đến mùa khô thì hồ đã cạn. Cũng tại thôn Sà Phìn A có một hồ nước có hiện tượng tương tự, công trình đã có hiện tượng xuống cấp, lượng nước đo được chỗ sâu nhất chỉ khoảng 60cm; theo tìm hiểu của phóng viên thì được biết hồ được xây dựng từ lâu nên nền láng xi măng đã xuống cấp, ngoài ra đường ống dẫn nước nguồn vào bể cũng đã bị hư hỏng không có khả năng dẫn nước. Ngoài các hồ trên còn có một vài hồ như hồ trung tâm xã Tả Lủng, hồ Vần Chải B xã Vần Chải cũng không tích được lượng nước theo yêu cầu để có thể phục vụ đủ nước sinh hoạt cho người dân vào mùa khô.

Mặc dù hiện nay là mùa mưa, nhưng nhiều hồ treo trên địa bàn huyện Đồng Văn đã không có nước. Vậy, vấn đề đặt ra là đến mùa khô năm nay cuộc sống của các hộ dân ở những khu vực này như thế nào? Thiết nghĩ: chính quyền địa phương nên có các biện pháp cụ thể để đảm bảo việc chứa nước tại các hồ treo, có thể cung cấp nước sinh hoạt cho người dân được bền vững.

Xuất phát từ những lý do trên, nên việc đánh giá chi tiết lượng nước mưa, nước mặt khu vực cao nguyên đá Đồng Văn cung cấp cho các hồ treo là rất cần thiết, qua đó đánh giá được hiệu quả của các hồ treo mang lại và xác định được các nguyên nhân tồn tại chủ yếu gây ra hiện tượng vào mùa mưa nhiều hồ treo trên địa bàn huyện Đồng Văn không có nước.