Bản đồ tài nguyên nước dưới đất được xây dựng theo nguyên tắc thể hiện nội dung các kết quả nghiên cứu về tài nguyên nước dưới đất. Theo nguyên tắc này, các thông tin chính thể hiện trên bản đồ là các thông tin về trữ lượng nước dưới đất, chất lượng nước dưới đất, các yếu tố nền sử dụng. Các nội dung, thông tin thể hiện trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 bao gồm:
– Các tầng chứa nước và thành tạo rất nghèo nước;
– Tài nguyên dự báo;
– Trữ lượng nước dưới đất đã được đánh giá thể hiện qua các cấp trữ lượng được phê duyệt;
– Chất lượng nước dưới đất;
– Các công trình nhân tạo như trạm đo thủy văn, giếng khoan, giếng đào, nguồn lộ nước dưới đất nếu có;
– Các đứt gãy dự báo chứa nước trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000.
– Các tuyến mặt cắt.
– Các yếu tố địa hình.
Kết quả chuẩn bị nội dung thông tin
– Các tầng chứa nước và thành tạo rất nghèo nước (diện phân bố, dạng hình học) lấy từ nền bản đồ địa chất thủy văn đã biên hội.
– Tài nguyên dự báo: bao gồm tổng lượng bổ cập, Tài nguyên tĩnh (trọng lực và đàn hồi) được chuẩn bị dưới dạng các vùng có mô đun Tài nguyên dự báo khác nhau.
– Trữ lượng nước dưới đất đã được đánh giá: Thống kê trữ lượng nước dưới đất từ các dự án đã hoàn thành trong vùng nghiên cứu và đã được phê duyệt.
– Chất lượng nước dưới đất: Đường đẳng độ tổng khoáng hóa M=1g/l được lấy từ bản đồ địa chất thủy văn. Kết quả phân tích mẫu tại các lỗ khoan được so sánh với giới hạn của các chỉ tiêu của QCVN 09-MT:2015/BTNMT. Các chỉ tiêu vi lượng và hợp chất ni tơ nếu vượt quá giới hạn của quy chuẩn này đã được tổng hợp và thể hiện trên bản đồ theo quy định của Thông tư 17/2013/TT-BTNMT.
Phương pháp thực hiện
Công tác biên hội bản đồ thực chất là tất cả các dạng công việc liên quan đến thu thập, rà soát thông tin, dữ liệu và các dạng công việc nội nghiệp như tổng hợp, chỉnh lý xử lý thông tin, dữ liệu thu thập và kết quả điều tra thực địa theo các nội dung đánh giá; Phân tích, đánh giá hiện trạng, diễn biến tài nguyên nước dưới đất; Chuẩn bị nội dung thông tin và biên tập các bản đồ. Cụ thể như sau:
-Hội thảo tham vấn chuyên gia để làm rõ toàn bộ nội dung thông tin được thể hiện trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất. Đây chính là cơ sở để chỉnh lý các thông tin được thu thập lên bản đồ TNNDĐ một cách có hệ thống và đồng bộ.
-Phân loại các bản đồ ĐCTV hiện có và đã được thu thập đầy đủ với các loại bản đồ được thành lập theo các nguyên tắc khác nhau (ví dụ nguyên tắc Địa tầng ĐCTV, nguyên tắc thành tạo, nguyên tắc dạng tồn tại hay còn gọi là nguyên tắc UNESCO), nền địa hình với các hệ quy chiếu khác nhau (ví dụ hệ tọa độ VN 2000, hệ tọa độ GAUSS, hệ tọa độ HN72). Mục đích là xác định các loại bản đồ ĐCTV nào cần phải đưa về hệ tọa độ VN2000 múi chiếu 6, kinh tuyến trục 1050, cũng như các thông tin sẽ thu nhận được từ các bản đồ đó.
Nền địa hình được sử dụng là bản đồ địa hình số tỷ lệ 1:50.000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành được biên tập lại, lược bỏ bớt các đường đồng mức, các nhánh sông suối nhỏ và các địa danh với mục đích làm nền và khi thể hiện không làm che lấp các thông tin cốt yếu về tài nguyên nước.
-Chỉnh biên toàn bộ các đơn vị địa tầng ĐCTV, các thành tạo hoặc các thể địa chất theo nền địa chất chuẩn đã được công bố trên cơ sở bộ bản đồ Địa chất tỷ lệ 1:200.000 đã được công bố năm 2005 và được biên tập lại năm 2016. Mục đích của công việc này là thống nhất, đồng bộ và cập nhật thông tin chính thống mới nhất của nền địa chất theo cùng tỷ lệ.
-Xây dựng cơ sở các dữ liệu thu thập, điều tra theo các đơn vị địa tầng ĐCTV, các thành tạo hoặc các thể địa chất đã được chỉnh biên. Mục đích của công việc này là thống nhất, đồng bộ các thông tin trước khi thể hiện lên trên bản đồ.
-Chỉnh biên và số hóa các thông tin đưa lên bản đồ tài liệu thực tế TN NDĐ tỷ lệ 1:200.000 toàn quốc. Mục đích của bước công việc này là lựa chọn, đồng bộ và thống nhất thông tin làm tiền đề xây dựng bản đồ TN NDĐ.
-Đánh giá trữ lượng khai thác tiềm năng và trữ lượng có thể khai thác cho từng tỉnh theo các tài liệu đã được chỉnh biên làm cơ sở cho thành lập và viết thuyết minh bản đồ TNNDĐ cho từng tỉnh và toàn quốc.
Theo đó, các thành tạo địa chất được nhóm gộp, phân chia thành các tầng chứa nước thống nhất đặc trưng cho từng miền ĐCTV, đánh giá – tính toán tài nguyên nước dưới đất theo miền ĐCTV và lưu vực, tiểu lưu vực rồi chia cắt thành các mảnh bản đồ phủ trùm toàn diện tích lãnh thổ.
-Phân vùng mức độ giàu, trung bình và nghèo nước của các đơn vị chứa nước làm cơ sở cho thành lập và viết thuyết minh bản đồ TNNDĐ cho từng tỉnh và toàn quốc.
-Thể hiện lên bản đồ về thông tin chất lượng nước cho từng tỉnh theo các tài liệu đã được chỉnh biên làm cơ sở cho thành lập và viết thuyết minh bản đồ TNNDĐ cho từng tỉnh.
-Số hóa và thể hiện các thông tin lên bản đồ TNNDĐ cho từng tỉnh và toàn quốc.
Home Công trình dự án Nhiệm vụ chuyên môn đang thực hiện Nguyên tắc thành lập và phương pháp thực hiện bộ bản đồ...