Tại Việt Nam công tác nghiên cứu, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước mới bắt đầu được thực hiện trong những năm gần đây bằng các quy hoạch chuyên ngành liên quan như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch thủy điện, quy hoạch cấp nước…. Đối với công tác phân bổ tài nguyên nước trong Quy hoạch tài nguyên nước nhìn chung đã đề xuất được một số nguyên tắc ưu tiên và thứ tự ưu tiên cấp nước cho các ngành dùng nước chủ yếu là: Sinh hoạt, Công nghiệp, Nông nghiệp và Môi trường và đưa ra tỷ lệ cấp nước cho các ngành dùng nước. Tuy nhiên các quy hoạch đó đều chưa có cơ sở hay tiêu chí cụ thể xác định lượng nước có thể sử dụng trước khi đem phân bổ cho các ngành dùng nước.
Trong bối cảnh bài toán quy hoạch tài nguyên nước theo Luật tài nguyên nước sửa đổi năm 2012, đối tượng của quy hoạch là nước mặt và nước dưới đất. Tuy nhiên các nghiên cứu trước đây mới chỉ tập trung vào từng đối tượng riêng lẻ là nước mặt hoặc nước dưới đất mà chưa xét tới cả hai nguồn nước và mối quan hệ giữa chúng. Việc phân bổ nguồn nước chỉ đơn thuần tính toán tổng lượng tài nguyên nước, sử dụng để phân bổ cho các đối tượng, mục đích sử dụng khác nhau. Vì vậy cần thiết phải nghiên cứu xác định các thành phần cân bằng nước, xác định lượng nước có thể sử dụng trước khi đem đi phân bổ. Cụ thể phải nghiên cứu tính toán lượng nước lũ không thể trữ được; lượng nước dưới đất có thể khai thác ổn định trên cơ sở lượng nước có thể khai thác từ các tầng chứa nước; lượng nước đảm bảo cho các nhu cầu thiết yếu trước khi đem phân bổ.
Theo cách tiếp cận này thì kết quả tính toán cân bằng nước có xét đến các yếu tố trên làm cơ sở để xác định bộ tiêu chí phân bổ nguồn nước theo không gian và thời gian trên lưu vực sông. Kết quả của nghiên cứu này sẽ góp phần giải quyết bài toán quy hoạch phân bổ tài nguyên nước lưu vực sông; phục vụ công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước đang bị suy giảm cả về chất lượng và số lượng.
Đó chính là những ý tưởng để triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xác định các thành phần trong cân bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho các nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông” với mục tiêu đưa ra là xác định được các thành phần cân bằng nước và xây dựng bộ tiêu chí để phân bổ nguồn nước theo không gian và thời gian trên lưu vực sông.
Lựa chọn lưu vực sông cụ thể thử nghiệm tính toán cân bằng nước và áp dụng bộ tiêu chí phân bổ nguồn nước
Trên cơ sở các tài liệu nghiên cứu trước đây và trong giai đoạn hiện nay, tài nguyên nước lưu vực sông Đáy đang suy giảm về cả số lượng và chất lượng. Mực nước sông Hồng vào mùa kiệt trong những năm gần đây giảm sâu dẫn tới việc lấy nước từ sông Hồng vào sông Đáy rất khó khăn. Hiện nay tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt sông Đáy trở nên trầm trọng, phạm vi có xu hướng mở rộng về phía hạ lưu dẫn tới việc khai thác, sử dụng nguồn nước mặt càng trở nên khó khăn. Mặc dù chất lượng không đảm bảo nhưng người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước này cho sinh hoạt, sản xuất và canh tác nông nghiệp. Việc này dẫn tới các hệ lụy về môi trường, xã hội và phát triển kinh tế. Chính vì vậy cần thiết phải có các nghiên cứu đánh giá phân bổ lại nguồn nước nhằm mục đích khai thác, sử dụng hài hòa, bền vững tài nguyên nước trên lưu vực sông Đáy; phục vụ an sinh xã hội và phát triển kinh tế.
Mặt khác, mức độ nghiên cứu về tài nguyên nước mặt và nước dưới đất trên lưu vực sông Đáy tương đối đầy đủ và rõ ràng. Các tài liệu về khí tượng thủy văn, tài liệu nghiên cứu về địa chất địa chất thủy văn, quan trắc tài nguyên nước… trên lưu vực sông Đáy đủ tính đại biểu, mật độ nghiên cứu tương đối cao, đảm bảo độ tin cậy để sử dụng trong nghiên cứu này.
Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xác định các thành phần trong cân bằng nước và lượng nước có thể phân bổ cho các nhu cầu sử dụng nước trên lưu vực sông” là nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp Bộ, do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì, thực hiện từ năm 2018, nhóm tác giả nghiên cứu đứng đầu là chủ nhiệm ThS. Tống Thanh Tùng cùng các cộng sự.