Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển gia tăng dân số cùng với các nhu cầu sử dụng nước phục vụ các hoạt động dân sinh kinh tế gia tăng nhanh chóng, mặt khác tài nguyên nước không phải là vô hạn và có nguy cơ trở nên khan hiếm. Biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ đã tác động tới các thủy hệ, làm tăng thêm sự thay đổi phức tạp và nghiêm trọng liên quan tới nguồn nước. Vấn đề đánh giá và xác định khả năng nguồn nước đã trở thành vấn đề quan trọng trong quản lý tổng hợp và quy hoạch tài nguyên nước.
Từ thực tế đó đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất, áp dụng chỉ số tài nguyên nước mặt đánh giá khả năng nguồn nước, phục vụ quy hoạch tài nguyên nước”được đề xuất. Các kết quả thu được từ nghiên cứu này sẽ đưa ra được bộ chỉ số đánh giá tài nguyên nước mặt phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững tài nguyên nước.
Một số nước trên thế giới hiện nay đã và đang sử dụng các chỉ số đánh giá tài nguyên nước phù hợp với điều kiện phát triển và yêu cầu phát triển cụ thể của từng nước để đánh giá khả năng nguồn nước của các lưu vực sông. Ở Việt Nam trong một số báo cáo như Đánh giá tổng quan ngành nước (2008), Chiến lược Quốc Gia về tài nguyên nước đến năm 2020 (2006)…, có đưa ra các chỉ số đánh giá tài nguyên nước mặt. Tuy nhiên, các chỉ số đã được đưa ra ở trên còn mang tính chủ quan chưa được nghiên cứu cụ thể cho từng lưu vực sông nên chưa phản ánh được đầy đủ và khách quan về tài nguyên nước và vấn đề khai thác sử dụng nước mặt trên các lưu vực sông ở nước ta hiện nay. Vì vậy, nghiên cứu đề xuất bộ chỉ số đánh giá tài nguyên nước mặt phù hợp với đặc điểm nguồn nước và điều kiện quản lý (các văn bản pháp luật hiện hành) để áp dụng phổ biến trong thực tế là cần thiết.
Lưu vực sông Sêrêpôk là một lưu vực sông lớn và quan trọng của nước ta và khu vực Tây Nguyên có vị trí địa lý đặc biệt, phong phú về tài nguyên cũng như lịch sử phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh nằm trên lưu vực, hàng năm lưu vực sông này đã cung cấp hàng trăm triệu mét khối nước để phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác sử dụng tài nguyên nước, lưu vực sông Sêrêpôk chưa có một bộ chỉ số nào để đánh giá khả năng nguồn nước mặt của lưu vực.
Tại các lưu vực sông, lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian, việc khai thác và sử dụng nước không hợp lý giữa các ngành sử dụng nước trên lưu vực đặt ra cho các cơ quan quản lý cần có một bộ chỉ số để đánh giá được khả năng nguồn nước mặt, từ đó có cơ sở để phân bổ nguồn nước hợp lý nhằm đảm bảo cấp nước cho các đối tượng sử dụng cũng như phục vụ phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông.
Vì vậy đề tài: “Nghiên cứu đề xuất, áp dụng chỉ số tài nguyên nước mặt đánh giá khả năng nguồn nước, phục vụ quy hoạch tài nguyên nước” với mục tiêu nhiệm vụ chính là xác định bộ chỉ số đánh giá khả năng nguồn nước mặt cho lưu vực sông Sêrêpôk.
Để đạt được các mục tiêu dự kiến, đề tài cần thực hiện các nội dung công việc chính sau đây:
– Tổng quan nghiên cứu các chỉ số đánh giá khả năng của nguồn nước mặt đã được áp dụng trên thế giới và Việt Nam;
– Xác định bộ chỉ số đánh giá khả năng của nguồn nước mặt cho lưu vực sông Sêrêpôk.
Kết quả dự kiến:
– Bộ chỉ số và kết quả tính toán các chỉ số đánh giá nguồn nước mặt cho lưu vực sông Sêrêpôk;
– Hướng dẫn sử dụng bộ chỉ số đánh giá khả năng của nguồn nước mặt trên lưu vực sông Sêrêpôk;
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ đóng góp vào công tác quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên nước mặt của các cơ quan, tổ chức nói chung và trên lưu vực sông Sêrêpôk nói riêng, giúp cho các nhà quản lý có một cách nhìn tổng thể để ra quyết định khai thác sử dụng nước cho các ngành, các địa phương trên quan điểm sử dụng nguồn nước bền vững, lợi ích và hợp lý.
(Thanh Sơn – TTDLQH&ĐTTNN)