Nước sạch đến với các vùng sâu Nam Bộ – Việc làm mang ý nghĩa thiết thực

Đồng bào các dân tộc và chiến sĩ ở các vùng sâu, vùng xa Nam Bộ đang hồ hởi với niềm vui được dùng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày-mong nuớc từ bao đời nay của họ đã thành hiện thực 

Do điều kiện kinh tế thấp, trước đây nhiều hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn sử dụng nước ao hồ, sông suối để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo đã dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe con người. Rất nhiều người dân bị nhiễm các loại giun, sán đường tiêu hóa. Các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, lỵ trực khuẩn là 3 trong số 10 bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất, trong đó tiêu chảy là bệnh đứng thứ 6 trong các bệnh có tỷ lệ tử vong lớn nhất

Bởi vậy, việc phát triển mạng lưới cấp nước sạch ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa không chỉ giúp người dân tránh được những bệnh liên quan do sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng mà còn góp phần thực hiện quy định tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch phải đạt tối thiểu 65% trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chiến lược Quốc gia cấp Nước sạch và Vệ sinh nông thôn đến năm 2020 đã xác định rõ mục tiêu: “Tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia”. Việc đưa nước hợp vệ sinh về các bản làng vùng sâu, vùng xa không những thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân địa phương các xã miền núi.

Nước dưới đất ở Nam Bộ có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên việc điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất chưa đáp ứng kịp thời, mức độ chi tiết chưa đủ làm cơ sở phục vụ quy họach, quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước dưới đất. Qua 4 pha thực hiện, đề án đã bổ sung đáng kể các thông tin tại các vùng còn trống, chưa từng được điều tra, tạo lập một hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước dưới đất tại 138 vùng điều tra, làm cơ sở tin cậy phục vụ cho việc lập quy họach, quản lý quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước dưới đất ở Nam Bộ. Bên cạnh đó đề án đã nhanh chóng chuyển giao 132 lỗ khoan khai thác với tổng lưu lượng 122.466m3/ngày có thể phục vụ cho gần 1.450.000 người, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng tại các vùng sâu vùng xa và biên giới. 

Ý nghĩa thiết thực mà dự án mang lại:

– Giúp cho địa phương nơi các vùng điều tra có nguồn nước sạch, đảm bảo chất lượng cung cấp cho các cụm, tuyến dân cư và các đơn vị bộ đội biên phòng. Có nguồn nước sạch, sức khoẻ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân và bộ đội được nâng cao, tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào các dân tộc phát triển, tạo ổn định xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

– Tạo nét văn hoá mới trong nhóm cư dân về vệ sinh phòng dịch, y tế cộng đồng và bảo vệ môi trường, làm thay đổi nếp sinh hoạt cũ mất vệ sinh và lạc hậu.

– Giúp phòng ngừa và ngăn chặn các bệnh dịch lây lan, các căn bệnh nguy hiểm (ung thư) trong điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm do phát triển kinh tế (phát triển khu công nghiệp ở địa phương, rác thải ngày càng nhiều và thói quen thải rác xuống sông, việc dùng phân bón và thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp…).

Tóm lại việc thực hiện dự án có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế, xã hội các địa phương phát triển. Góp phần phát triển kinh tế xã hội và chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và bộ đội đang sinh sống và làm việc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, đặc biệt là bộ đội biên phòng đang làm nhiễm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam, thực hiện chương trình mục tiêu nước sạch và vệ vệ sinh môi trường nông thôn của Đảng và Chính phủ.