Đề án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ” đã đạt được những kết quả vô cùng có ý nghĩa trong việc mang đến cho nhân dân và bộ đội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới nước sạch để ăn uống và sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh biên giới.
– Pha 1 (1995 – 1997), đã thi công 38 lỗ khoan, trong đó bàn giao đưa vào khai thác cung cấp nước sạch 34 lỗ khoan với lưu lượng 43.495m3/ngày, số dân được sử dụng nước sạch 463.733 người.
– Pha 2 (1998 – 2003), thi công 30 lỗ khoan, đã bàn giao đưa vào khai thác 29 lỗ khoan, có tổng lưu lượng là 43.600m3/ngày, số dân được sử dụng nước sạch 426.730 người.
– Pha 3 (2005 – 2011), thi công 30 lỗ khoan, đã bàn giao đưa vào khai thác 29 lỗ khoan, có tổng lưu lượng là 15.371m3/ngày, số dân được sử dụng nước sạch 192.132 người.
Với các kết quả đạt được trong việc điều tra nguồn NDĐ của các pha trước thì việc triển khai thi công dự án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 4” là rất phù hợp và kịp thời, đáp ứng được sự mong mỏi được cung cấp nước sạch của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đồng thời cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; góp phần tiếp tục thực hiện chỉ thị 200TTg của Thủ tướng chính phủ về đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Sự ra đời của dự án “Điều tra nguồn nước dưới đất vùng sâu Nam Bộ – pha 4” là hoàn toàn hợp lý và đúng đắn, mang tính bền vững cao với mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng, tổ hợp các phương pháp nghiên cứu hợp lý, năng lực cũng như thiết bị, máy móc, nhân lực của các đơn vị trong Liên đoàn đủ khả năng thi công các dạng công tác của dự án. Với vốn được cấp hàng năm đầy đủ thì đảm bảo dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, vốn đầu tư sẽ được sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các vùng điều tra nguồn NDĐ là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc của vùng Nam Bộ nên công tác điều tra cơ bản cũng như nguồn tài liệu về ĐC, ĐCTV hiện nay ở đây còn rất sơ lược. Với vốn đầu tư hơn 36,093 tỉ đồng Nhà nước đã thu lại được các sản phẩm được thể hiện bằng các tài liệu nguyên thuỷ về ĐC, ĐCTV, địa vật lý, thành phần hoá học của NDĐ; các tài liệu chỉnh lý như bản thuyết minh, các bản vẽ, bản đồ, các phụ lục về đặc điểm ĐC, ĐCTV của 40 vùng điều tra nguồn NDĐ. Từ đó, các cơ quan chức năng có thể sử dụng các số liệu trong báo cáo làm cơ sở để đánh giá đúng đắn về đặc điểm ĐCTV và tiềm năng NDĐ tại các vùng điều tra này. Đây là nguồn tài liệu vô cùng quí giá về điều tra cơ bản ĐC, ĐCTV ở vùng Nam Bộ. Các số liệu thu được của dự án không những phục vụ thiết thực các dạng công tác điều tra về ĐC, ĐCTV của các dạng công tác tiếp theo mà còn phục vụ các ngành khoa học khác như quy hoạch các ngành, quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch lãnh thổ, đánh giá tác động của môi trường, biến đổi khí hậu… của vùng Nam Bộ.
Sau khi kết thúc, dự án sẽ bàn giao cho các địa phương và đơn vị bộ đội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng biên giới 40 lỗ khoan được kết cấu để khai thác cung cấp nước sạch với lưu lượng khai thác dự kiến là 20.000m3/ngày, tương ứng với khả năng cung cấp cho trên 250.000 người thì với chi phí trên hiệu quả về kinh tế – xã hội là rất lớn.
Các vùng điều tra nguồn NDĐ là những vùng đặc biệt khó khăn về NDĐ ăn uống, sinh hoạt và sản xuất, với việc có được nguồn nước sạch mà dự án mang lại sẽ giúp cho nhân dân các địa phương nơi có các vùng điều tra nguồn NDĐ có sức khoẻ để phát triển sản xuất, đa dạng các ngành nghề, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao mức sống, ổn định sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, cùng đồng bào dân tộc. Với kết quả mang lại của việc thi công các vùng điều tra nguồn NDĐ cho các địa phương nêu trên thì hiệu quả kinh tế – tài chính của dự án là rất to lớn, không những về mặt phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển văn hoá – xã hội, ổn định an ninh, chính trị, quốc phòng.
Dự án thúc đẩy kinh tế các địa phương ở vùng sâu, vùng xa phát triển, giúp nhân dân nắm được tiềm năng tài nguyên nước dưới đất của các vùng điều tra, từ đó nâng cao sự hiểu biết cũng như ý thức để bảo vệ tài nguyên (tài nguyên nước), bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các cụm, tuyến dân cư vượt lũ của các địa phương ở Nam Bộ.
Điều này minh chứng cho tính đúng đắn và hiệu quả trong việc vừa điều tra cơ bản về ĐC, ĐCTV (điều tra nguồn NDĐ) vừa kết hợp khai thác NDĐ phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân và bộ đội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Kết quả thực hiện dự án sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chỉ thị 200TTg của Thủ tướng chính phủ về việc đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong việc chăm lo sức khoẻ, đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần cho nhân dân và bộ đội ở các vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội, ổn định chính trị và đảm bảo an ninh quốc phòng.