LVS Hồng – Thái Bình: Các vấn đề trong phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra P1

Trong quá trình điều tra, khảo sát thực địa và đánh giá nguồn tài liệu thu thập được khi xây dựng và thực hiện dự án Quy hoạch LVS Hồng – Thái Bình, nhóm tác giả thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã chỉ ra các vấn đề trong phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra như sau:

– Xâm nhập mặn vùng cửa sông

Lưu lượng về hạ du giảm, mực nước sông Hồng xuống thấp và nước biển dâng cao kết hợp triều cường dẫn đến xâm nhập mặn ngày càng phức tạp. Kết quả quan trắc, đánh giá số liệu đo độ mặn cho thấy: vào mùa kiệt nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản ở Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình có độ mặn vượt quá nồng độ cho phép đã làm giảm năng suất cây trồng:

Các phân lưu hạ lưu sông Thái Bình bị xâm nhập mặn sâu nhất, từ 6 đến 27 km, vớ độ mặn 1‰ và 4‰. Độ sâu xâm nhập mặn lớn nhất với độ mặn 1‰ trên sông Thái Bình là 12 – 40 km (tùy thuộc vào từng phân lưu) trên sông Ninh Cơ là 32 km, trên sông Trà Lý là 20 km, trê sông Đáy là 20 km và trên sông Hồng là 14 km.

Năm 2011, độ mặn đo được tại cống Bình Hải ngày 18/1/2011 là 14‰. Số giờ lấy nước trong thời gian đổ ải của cống Quỹ Nhất trong tháng 1/2010 là 20,5 giờ, của cống Bình Hải là 69 giờ và của cống Âm Sa là 65 giờ. Vụ chiêm xuân 2010 ở các cửa sông Đáy có độ mặn cao thâm nhập sâu vào đất liền.

DL160

Trên sông Ninh Cơ tại Lạc Quần cách cửa sông 40 km, độ mặn trung bình thuỷ trực đạt 2,23‰, độ mặn trung bình max thuỷ trực đạt 5,80‰ lúc 23h/22/III/2010 khi đỉnh triều đạt cao nhất.

– Sạt, lở do khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác

Theo điều tra của Sở TN&MT Hà Nội, hiện trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu đoạn qua thành phố Hà Nội có 18 khu vực khai thác cát, trong đó có tới 13 khu vực không phép, sai phép. Hoạt động này đã gây lãng phí nguồn tài nguyên và làm thay đổi dòng chảy, xói lở bờ sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai…

Tình trạng khai thác cát tự phát diễn ra ở nhiều nơi. Ở Hải Dương, nhu cầu san lấp mặt bằng để phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, đòi hỏi từ 3,5 đến 4 triệu m3 cát. Phần lớn số lượng cát này được khai thác tự do từ sông Thái Bình và sông Kinh Thầy. Tình trạng khai thác cát trái phép cũng diễn ra ở dọc tuyến sông Cầu, gây ra sạt lở bờ vào sát chân đê ở khu vực xã Việt Thống, huyện Quế Võ. Trên sông Đuống, khu vực gần cầu Phù Đổng, hàng ngày hàng trăm m3 cát cũng được lấy từ lòng sông.

Tại sông Cà Lồ, có 17 đoạn sạt lở, tổng chiều dài sạt lở lên đến gần 8 km, có những đoạn sạt lở kéo dài khoảng 1 km (như tại xã Thanh Xuân – Sóc Sơn và xã Xuân Nộn – Đông Anh). Độ rộng đoạn sạt lở nhỏ, dưới 1m nên chưa có ảnh hưởng tới nhà dân và diện tích đất nông nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng này là dòng sông uốn khúc, thay đổi mạnh và liên tục về hướng dòng chảy.

Sông Thái Bình có lượng phù sa nhiều, cấu tạo hai bờ sông chủ yếu là cát sét pha màu nâu gắn kết yếu. Do bờ sông kéo dài chưa có kè kiên cố xảy ra 14 đoạn sạt lở. Khi chảy qua tỉnh Hải Dương địa phận xã Cẩm Văn, Đức Chính – huyện Cẩm Giàng; xã Ngọc Sơn, Tứ Xuyên – Tứ Kỳ – Hải Dương. Sạt lở chủ yếu xảy ra bên bờ phải sông kéo dài từ 300 m cho đến 600 m. Tại Hà Nội khi sông qua huyện Sóc Sơn xảy ra sạt lở ở các xã Trung Giã, Tân Hưng, Việt Long  các đoạn sạt lở có chiều dài từ 100 m đến 500 m, do cách xa cánh đồng của nhân dân nên thiệt hại về kinh tế không đáng kể.

Sông Kinh Thầy bị sạt lở tại 6 đoạn sông thuộc địa phận các xã đó là: Nam Hưng, Thanh Quang thuộc địa phận huyện Nam Sách; xã Phúc Thành B, xã Lê Ninh – huyện Kinh Môn. Các đoạn sạt lở xảy ra cục bộ hầu hết ở bên bờ phải sông, riêng ở đoạn sông thuộc địa phận xã Phúc Thành B và Lê Ninh – huyện Kinh Môn sạt lở xảy ra liên tiếp, kéo dài khoảng 600m bên bờ phải sông. Nguyên nhân chủ yếu do kết cấu bờ sông chủ yếu là cát pha sét gắn kết yếu dễ gây sạt lở… (còn nữa)