Quá trình điều tra, đánh giá lập bản đồ tài nguyên nước và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế – xã hội lưu vực sông Cả còn tồn tại các vẫn đề về dữ liệu điều tra tài nguyên nước như sau:
– Tồn tại về dữ liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt: Trong tổng số 41 sông có chiều dài ≥ 30km thuộc đối tượng điều tra, đánh giá tài nguyên nước chỉ có 5 sông có trạm quan trắc dòng chảy, 36 sông không có số liệu quan trắc cơ bản. Trong số các trạm quan trắc dòng chảy, thời gian quan trắc giữa các trạm không đồng bộ cho nên quá trình tính toán, đánh giá tài nguyên nước cần bổ sung các tài liệu dòng chảy để có chuỗi quan trắc đủ dài và có mức độ tin cậy cho việc tính toán tài nguyên nước trên lưu vực. Đối với các sông không có trạm quan trắc cần tiến hành đo đạc bổ sung để làm căn cứ kéo dài số liệu.
Về công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước mặt chưa được thực hiện trên lưu vực, mặc dù các tỉnh thuộc lưu vực đã thực hiện một số nhiệm vụ điều tra các đối tượng khai thác, sử dụng và xả thải vào tài nguyên nước, các thông tin này có thể được kế thừa một phần trong công tác điều tra tài nguyên nước phục vụ dự án.
– Tồn tại về dữ liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất:
+ Trên toàn bộ diện tích vùng nghiên cứu đã có tài liệu lập bản đồ Địa chất thủy văn tỷ lệ 1:200.000.
+ Trong vùng nghiên cứu phần diện tích có tài liệu lập bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:50.000 khoảng 3.200 km2 chiếm khoảng 18% diện tích lưu vực sông Cả.
+ Trong vùng nghiên cứu phần diện tích có tài liệu lập bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1:25.000 khoảng 1.076 km2 chiếm khoảng 6% diện tích lưu vực sông Cả.
+ Trên vùng nhiên cứu có 244 lỗ khoan nghiên cứu cấu trúc ĐCTV, trong đó có 02 chùm hút nước thí nghiệm tính toán thông số ĐCTV trong tầng chứa nước qp, t2, 04 chùm hút nước khai thác thử trong các tầng qh, t2, 01 chùm hút nước thí nghiệm xác định dịch chuyển mặn nhạt trong tầng qh và 237 lỗ khoan hút nước thí nghiệm đơn trong các tầng chứa nước trên địa bàn vùng nghiên cứu; mật độ lỗ khoan nghiên cứu ĐCTV đạt 0,014 LK/km2.
+ Trữ lượng nước dưới đất đã được đánh giá: Qua đánh giá của các dự án thì trên vùng nghiên cứu có trữ lượng nước dưới đất khá phong phú, có nhiều tầng chứa nước được đánh giá giàu nước, có khả năng khai thác nước tập trung quy mô lớn. Trong nhiều đề án và dự án đã bố trí các hành lang khai thác nước tập trung cho vùng nghiên cứu để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của địa phương. Nhiều đề án đã đánh giá và phân cấp trữ lượng nước dưới đất cho các vùng nghiên cứu.
+ Chất lượng nước dưới đất đã được đánh giá: Tổng hợp thống kê từ các đề án đã thực hiện thì đã lấy và phân tích chất lượng nước chất lượng nước 5.405 mẫu nước các loại. Đánh giá sơ bộ chất lượng nước khu vực nghiên cứu cho thấy nước dưới đất có chất lượng tương đối tốt, chỉ có các khu vực ven biển thì có tình trạng nước bị mặn, tập trung chủ yếu vào các tầng chứa nước qh, qp và t2.
+ Mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất: Mật độ các công trình quan trắc còn thưa, chưa phủ kín trên toàn bộ vùng nghiên cứu. Các công trình chủ yếu được bố trí tại các tầng chứa nước quan trọng, có khả năng khai thác nước tập trung hoặc các tầng dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và xâm nhập mặn.
– Tồn tại về hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu:
Kết quả rà soát đánh giá hiện trạng thông tin cơ sở dữ liệu cho thấy việc quản lý tài nguyên nước theo đơn vị hành chính địa phương dẫn đến trên lưu vực sông Cả chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu nhất quán, đồng bộ. Cơ sở dữ liệu không đồng bộ về mặt không gian (khu vực có, khu vực không); không đồng bộ về cách thức và hình thức lưu trữ (có khu vực chỉ thực hiện cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước như Thanh Hóa, tuy nhiên ở vùng ven biển Hà Tĩnh dữ liệu về tài nguyên nước được lưu trữ cùng với dữ liệu về tài nguyên và môi trường). Điều đó dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc thu thập, khai thác dữ liệu về tài nguyên nước trên lưu vực sông Cả, do đó việc thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu chung trên toàn lưu vực sông là rất cần thiết, đảm bảo việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, làm công cụ hữu ích cho việc quản lý tài nguyên nước trên lưu vực sông.
– Tồn tại về bộ công cụ mô hình toán mô phỏng tài nguyên nước:
Có thể thấy, việc sử dụng mô hình toán cho khu vực này đã được quan tâm ở một số nghiên cứu, dự án. Tuy nhiên các mô hình được lập ra thường chỉ phục vụ một bài toán đơn lẻ như dự báo lũ, lập bản đồ ngập lụt,… mà chưa tính đến việc kết nối các bộ công cụ thành một mô hình hoàn chỉnh gồm tính toán tài nguyên nước, đánh giá khả năng khai thác của tài nguyên nước, kết nối phần mềm với dữ liệu đo đạc, điều tra,… nhằm giải quyết bài toán quản lý tài nguyên nước trên lưu vực một cách đồng bộ, minh bạch, khách quan.