Tài nguyên nước thuộc vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ khá phong phú và đa dạng, nhưng lại phân bố không đều theo không gian và thời gian, chịu tác động của nhiều yếu tố về cả “chất” và “lượng”: Tài nguyên nước nói chung và tài nguyên nước mặt nói riêng tại các lưu vực sông thuộc phạm vi dự án cũng chịu nhiều tác động của ô nhiễm nguồn nước, khai thác sử dụng chưa hiệu quả và đặc biệt là xâm nhập mặn rất nặng nề.
Để xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước phục vụ cho các mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài về khai thác sử dụng và quản lý nguồn nước thì điều tra tài nguyên nước là một hoạt động không thể thiếu. Vùng kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ có nguồn tài nguyên nước mặt với đặc thù khá riêng biệt với cả địa hình miền núi và địa hình ven biển. Lưu vực sông Ba Chẽ là một trong những lưu vực sông quan trọng của vùng nghiên cứu đánh giá. Theo nhiệm vụ được phân công năm 2020 và theo yêu cầu kỹ thuật, lưu vực sông Ba Chẽ đã được điều tra tài nguyên nước mặt trong mùa khô đầu năm. Các nội dung của quá trình điều tra đều tuân theo các quy định hiện hành, đặc biệt là thông tư 12/2014/TT-BTNMT về quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt.
Kết quả điều tra nguồn nước và tình hình quản lý khai thác sử dụng các nguồn nước
Trên diện tích 850km2 thực hiện năm 2020, tổ điều tra thực địa đã khảo sát lưu lưu vực sông Ba Chẽ với 4 sông chính và 19 sông suối nhỏ bổ sung nguồn nước cho sông Ba Chẽ. Từ kết quả điều tra tổng quan và chi tiết đã đánh giá được đặc điểm sông suối trong lưu vực sông Ba Chẽ như sau:
– Đặc điểm hình thái sông suối: đã điều tra 4 tuyến sông và 19 tuyến suối với đặc điểm sông, suối vùng miền núi cấu tạo 2 bên bờ tự nhiên là chân đồi núi thành phần chủ yếu là sản phẩm phong hóa gồm sét bột lẫn dăm sạn gắn kết tốt, nhiều vị trí bờ suối là đá gốc cứng rắn chắc. Dòng chảy sông suối mang đặc trưng của sông suối miền núi, hướng dòng chảy thay đổi liên tục theo dạng địa hình thung lũng.
– Trên lưu vực sông Ba Chẽ đã xác định 408 điểm nhập lưu, thay đổi hướng dòng chảy. Các vị trí nhập lưu, thay đổi dòng diễn ra tự nhiên không gây tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.
Đoạn sông ảnh hưởng triều, xâm nhập mặn: sảy ra chủ yếu ở khu vực hạ lưu thuộc xã Nam Sơn huyện Ba Chẽ. Các đoạn sông ảnh hưởng triều thuộc sông Ba Chẽ, suối Nam Hả, suối Nam Kim, khe Hố. Trong đó ảnh hưởng nặng nhất là trên sông Ba Chẽ. Tuy nhiên ảnh hưởng của việc xâm nhập mặn không gây ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh, do đoạn sông chỉ phục vụ cho giao thông thủy. Mặt khác trên sông Ba Chẽ đã được địa phương xây dựng đập tràn có tác dụng ngăn nước mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền.
– Đoạn sông ô nhiễm: Do hoạt động kinh tế trong khu vực chưa phát triển nên các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước mặt không nhiều, trong quá trình điều tra đã xác định 6 vị trí nguồn có thể gây ô nhiễm suy thoái chất lượng nước. Các vị trí này có lưu lượng xả thải không lớn, qua kết quả đo nhanh chất lượng nước xác định chất lượng nước không bị ảnh hưởng nhiều bởi các công trình. Tại các vị trí này đã được bố trí lấy mẫu phù hợp để đánh giá ảnh hưởng cụ thể của công trình tới sông suối địa phương.
– Đoạn sông có hồ chứa đập dâng: đã khảo sát 29 công trình trong lưu vực sông Ba Chẽ. Các công trình được sự dụng với mục đích chủ yếu là lấy nước phục vụ nông nghiệp ngoài ra còn sử dụng để lấy nước cấp ăn uống sinh hoạt, chống xâm nhập mặn. Hiện trạng các công trình vẫn đang sử dụng tốt.
Công trình khai thác trên sông suối: đã khảo sát 3 công trình khai thác gồm 2 công trình khai thác nước phục vụ cấp nước tập trung, 1 công trình khai thác phục vụ chế biến lâm sản. Cả 3 công trình đều khai thác nước trên sông Ba Chẽ, lưu lượng nước khai thác nhỏ hơn rất nhiều so với lưu lượng sông Ba Chẽ nên các công trình khai thác nước không gây ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy sông Ba Chẽ.