Xây dựng các biểu, bảng, đồ thị
Rà soát, phân loại theo nhóm các thông tin, dữ liệu thu thập và điều tra thực địa phục vụ cho việc đánh giá hiện trạng tài nguyên nước dưới đất(NDĐ): Dự án đã tiến hành rà soát, phân loại theo các nhóm các tài liệu thu thập phục vụ cho các nội dung đánh giá, gồm 5 nhóm như sau:
– Nhóm 1: Nhóm tài liệu điều tra cơ bản địa chất – địa chất thủy văn;
– Nhóm 2: Nhóm tài liệu hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất;
– Nhóm 3: Nhóm tài liệu quan trắc động thái nước dưới đất;
– Nhóm 4: Nhóm tài liệu địa lý tự nhiên, kinh tế xã hội theo niên giám thống kê, các quy hoạch định hướng phát triển;
– Nhóm 5: Nhóm các tài liệu khác liên quan đến tài nguyên nước dưới đất.
Đánh giá mức độ tin cậy của các thông tin, dữ liệu thu thập và lựa chọn sử dụng: Dự án đánh giá mức độ tin cậy của các thông tin, dữ liệu thu thập theo các tiêu chí về mặt chuyên môn và về mặt pháp lý, ngoài ra còn có thông tin về thời gian thực hiện để có cái nhìn đa chiều về mức độ tin cậy của tài liệu nhằm đưa ra lựa chọn sử dụng phù hợp với từng nội dung đánh giá. Trong đó, đã đề xuất đưa ra 2 mức độ tin cậy cho tài liệu là “tin cậy” và “ít tin cậy”. Từ mức độ tin cậy và nội dung của các tài liệu để đưa ra lựa chọn sử dụng tài liệu. Ở đây dự án đưa ra 3 mức lựa chọn sử dụng gồm: Tài liệu được sử dụng tất cả, tài liệu được sử dụng một số thông tin và tài liệu chỉ dùng để tham khảo. Kết quả như sau:
– Các tài liệu thu thập phục vụ đánh giá tài nguyên nước dưới đất bao gồm: các phiếu lỗ khoan, tài liệu bơm thí nghiệm, tài liệu phân tích chất lượng nước dưới đất, tài liệu đo sâu điện, đo karota lỗ khoan, tài liệu hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất, tài liệu quan trắc động thái nước dưới đất,… đều do các đơn vị thi công thuộc Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện, có độ tin cậy cao về mặt chuyên môn, đầy đủ các thông tin, là cơ sở tin cậy để thực hiện các nội dung đánh giá tài nguyên NDĐ vùng Bắc sông Tiền.
– Ngoài ra, các tài liệu thu thập ở các cơ quan địa phương đều có mức độ tin cậy cao về mặt pháp lý, tuy nhiên các tài liệu này phần lớn mang tính tổng quát và chưa đi sâu vào nghiên cứu nước dưới đất nên các thông tin dùng để phục vụ đánh giá tài nguyên nước dưới đất còn hạn chế, dự án đã chọn lọc sử dụng một số thông tin, còn lại để tham khảo.
Nhập số liệu vào máy tính, kiểm tra, đồng bộ hóa thông tin, dữ liệu: Sau khi rà soát, phân loại các dữ liệu thông tin thu thập và điều tra thực địa, đánh giá mức độ tin cậy và lựa chọn sử dụng của các dữ liệu thông tin thu thập, dự án đã tiến hành nhập kết quả thu thập thông tin, dữ liệu, kết quả điều tra thực địa vào máy tính dưới dạng bảng, biểu thống kê theo mẫu, biểu đồng bộ, thống nhất theo đúng quy định hiện hành.
Xử lý, tổng hợp thông tin, dữ liệu và xây dựng các biểu, bảng, đồ thị: Từ các thông tin, dữ liệu nhập vào máy tính đã được kiểm tra, đồng bộ hóa, dự án tiến hành xây dựng các biểu, bảng, đồ thị phục vụ cho các nội dung đánh giá. Đây là sản phẩm thuộc công tác “Tổng hợp chỉnh lý, xử lý thông tin, dữ liệu thu thập và kết quả điều tra thực địa theo các nội dung đánh giá” và cũng chính là các phụ lục (có cập nhật, bổ sung) phục vụ cho các nội dung đánh giá trong khuôn khổ dự án ở các giai đoạn tiếp theo, bao gồm:
– Phụ lục 1: Sổ thống kê các điểm điều tra. khảo sát;
– Phụ lục 2: Sổ thống kê các điểm khảo sát lỗ khoan, giếng đào theo tầng chứa nước;
– Phụ lục 3: Sổ thống kê các điểm khảo sát nước mặt;
– Phụ lục 4: Sổ tổng hợp kết quả phân tích mẫu nước;
– Phụ lục 5: Sổ tổng hợp kết quả phân tích mẫu nước vượt Quy chuẩn;
– Phụ lục 6: Sổ tổng hợp các lỗ khoan nghiên cứu địa chất thủy văn;
– Phụ lục 7: Sổ tổng hợp các thông số địa chất thủy văn theo tầng chứa nước;
– Phụ lục 8: Sổ tổng hợp phân tầng địa chất thủy văn (chiều sâu mái, chiều sâu đáy, bề dày các tầng chứa nước);
– Phụ lục 9: Tập phiếu lỗ khoan nghiên cứu địa chất thủy văn;
– Phụ lục 10: Sổ tổng hợp hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất;
– Phụ lục 11: Sổ tổng hợp và biểu đồ kết quả quan trắc động thái nước dưới đất.
Lập các sơ đồ điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất
Dự án đã thành lập các sơ đồ thuộc công tác “Tổng hợp chỉnh lý, xử lý thông tin, dữ liệu thu thập và kết quả điều tra thực địa theo các nội dung đánh giá” theo đúng quy định và đề cương được duyệt, bao gồm:
– Sơ đồ phân bố các cấu trúc chứa nước, thành tạo đất đá chứa nước, phức hệ chứa nước chủ yếu;
– Sơ đồ phân bố các khu vực có nguy cơ ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất;
– Sơ đồ phân bố các công trình khai thác nước dưới đất.
Kết quả thành lập các sơ đồ cụ thể như sau:
Sơ đồ phân bố các cấu trúc chứa nước, thành tạo đất đá chứa nước, phức hệ chứa nước chủ yếu:
+ Đã cơ bản xác định được diện và độ sâu phân bố các tầng chứa nước và các thành tạo địa chất rất nghèo nước hoặc không chứa nước, sơ bộ phân vùng khả năng chứa nước của 7 tầng chứa nước thuộc vùng nghiên cứu. Đồng thời cung cấp các thông tin về chiều sâu, tầng chứa nước nghiên cứu, mực nước tĩnh, trị số hạ thấp mực nước, lưu lượng, độ tổng khoáng hóa, thành phần hóa học của các lỗ khoan, giếng đào trong vùng nghiên cứu; Ngoài ra, thể hiện thông tin các đứt gãy dự báo chứa nước, thành phần thạch học, bề dày của các hệ tầng địa chất trên phạm vi vùng nghiên cứu.
Sơ đồ phân bố các khu vực có nguy cơ ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất:
+ Đã khoanh định chính xác hơn về ranh giới mặn – nhạt 1g/l qua các giai đoạn và xây dựng ranh mặn 1,5g/l theo Nghị định số 167/2018/NĐ-CP (Ranh mặn 1,5g/l được thể hiện trên các sơ đồ như trong Hình 1).
+ Đã phân vùng nguy cơ xâm nhập mặn nước dưới đất, theo tầng chứa nước phân ra: Vùng có nguy cơ cao xâm nhập mặn NDĐ là vùng có độ tổng khoáng hóa từ 1,0-1,5g/l, Vùng có nguy cơ xâm nhập mặn NDĐ là vùng 1km tính từ ranh đường đẳng tổng độ khoáng hóa 1,0g/l, Vùng ít nguy cơ là vùng nước nhạt còn lại
+ Đã đánh giá chất lượng nước, khoanh định các khu vực ô nhiễm NDĐ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất – QCVN 09-MT:2015/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả đã đánh giá tổng số 1.147 mẫu nước được thể hiện lên bản đồ theo đúng Thông tư số 09/2014/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật lập bản đồ chất lượng nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000; Đã thể hiện các vị trí có khả năng gây ô nhiễm NDĐ là các bãi rác, nghĩa trang, khu giết mổ gia súc tập trung, trang trại chăn nuôi quy mô lớn hoặc các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn NDĐ khác, đồng thời khoanh vùng có nguy cơ gây ô nhiễm nước dưới đất là khu vực nằm trong phạm vi khoảng cách nhỏ hơn 1km tới các bãi rác thải tập trung, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang và các nguồn thải nguy hại khác theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT (Quy định việc đăng ký khai thác NDĐ).
Sơ đồ phân bố các công trình khai thác nước dưới đất:
+ Thể hiện vị trí, tầng chứa nước khai thác và lưu lượng khai thác của các công trình khai thác quy mô trên 20m3/ngày, các công trình khai thác nước tập trung thuộc Nhà máy, Trạm cấp nước đô thị và nông thôn. Cụ thể, đã thu thập thông tin của 5.021 công trình khai thác NDĐ có mô ≥ 20m3/ngày trong vùng nghiên cứu, trong đó: tỉnh Long An là 3.485 công trình, tỉnh Tiền Giang là 1.076 công trình, tỉnh Đồng Tháp là 439 công trình, thành phố Hồ Chí Minh là 21 công trình.