Hiện nay Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, dự án đầu tư cho công tác khai thác, sử dụng các nguồn nước phục vụ cho ăn uống sinh hoạt của nhân dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Nhiều giải pháp đã được triển khai như trồng rừng để tăng diện tích thảm thực vật, xây bể, cung cấp chum vại đựng nước, hoặc thậm chí điều xe téc chở nước từ xa về cấp cho người dân địa phương vào những thời điểm khô hạn kéo dài v.v. nhưng về cơ bản vẫn chưa giải quyết được vấn đề vì những giải pháp trên tồn tại nhiều nhược điểm, không thể trở thành một giải pháp căn bản. Để giảm áp lực cho các nguồn nước hiện tại, giải pháp tìm kiếm nguồn nước dưới đất được đặt ra. Với những ưu điểm như có trữ lượng ổn định, chất lượng tốt, ít bị ảnh hưởng bởi diễn biến bất thường của thời tiết v/v… nên giải pháp này là tối ưu. Để giải pháp đạt được hiệu quả và có tính khả thi, cần được đầu tư và triển khai đồng bộ các hạng mục công việc:
– Điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước;
– Đầu tư xây dựng mạng khai dẫn;
– Duy trì hoạt động mạng khai dẫn.
Công tác điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước mới được thực hiện thí điểm tại một số vùng. Một số công trình cấp nước được đầu tư xây dựng từ các Chương trình khác nhưng do chưa được điều tra, đánh giá chi tiết về nguồn nên khoan khai thác không có nước, hoặc có nước nhưng sau khi tiến hành xây dựng và vận hành một thời gian ngắn thì nguồn nước bị cạn kiệt, gây lãng phí rất lớn.
Một số vùng sau khi điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước là đạt yêu cầu, nhưng trong nhiệm vụ không có khi phí khai dẫn. Phần khai dẫn giao lại cho địa phương thực hiện, nhưng do kinh phí địa phương hạn hẹp, không tự thực hiện được nên giảm hoặc không đạt được hiệu quả như mong muốn. Giải pháp đặt ra là bổ sung kinh phí xây dựng mạng khai dẫn đơn giản (nhà bao, máy bơm, đường ống và bể trung tâm) vào kinh phí thực hiện của chương trình.
Một số công trình đã thực hiện cả 2 bước trên nhưng hiệu quả kinh tế – xã hội vẫn không cao do thiếu kinh phí duy trì hoạt động, kinh phí bảo dưỡng duy tu, người dân chưa có thói quen sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hoặc không có tiền chi trả cho nước sạch.
Việc thực hiện điều tra, đánh giá và xây dựng mạng khai dẫn mang tính thời điểm, có thể đầu tư 1 lần bằng 1 nguồn chi phí tài trợ, nhưng kinh phí duy trì hoạt động khó có thể huy động từ nguồn địa phương do bản thân địa phương vốn đã là vùng khó khăn, cuộc sống người dân vẫn còn nghèo. Do đó, rất cần nguồn kinh phí lồng ghép đồng bộ từ các chương trình mục tiêu khác của Chính phủ như chương trình 134, 135 Chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Đồng thời, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh môi trường, y tế … để người dân thay đổi thói quen sinh hoạt và chấp nhận sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
Như vậy, có thể thấy, công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước đóng vai trò rất quan trọng, là tiền đề để triển khai và đạt được hiệu quả kinh tế – xã hội của các chương trình, dự án cung cấp nước sạch.
Để phát huy những thành quả đã đạt được trong các giai đoạn điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất trước đây, tiếp tục giải quyết các hạn chế về cấp nước cho các vùng cao, vùng khan hiếm về nguồn nước, góp phần thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”. Để Chương trình phát huy hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đặt ra, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường Chủ trì và tổ chức triển khai Dự án số 1: Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Dự án được thực hiện tại 426 vùng trên 41 tỉnh với diện tích là 4595km2.
Đây là một Chương trình toàn diện, tổng thể để khắc phục được các mặt hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời góp phần thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia. Để Chương trình phát huy hiệu quả và đạt được các mục tiêu đã đặt ra của dự án là tìm kiếm được nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng đáp ứng được yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất cho các vùng dự án. Để thực hiện được mục tiêu này thì nhiệm vụ đặt ra của dự án là:
Thu thập các tài liệu địa chất, địa chất thuỷ văn tại các vùng núi cao, khan hiếm nước và các tài liệu liên quan khác trên địa bàn triển khai dự án.
Khoanh định các vùng có khả năng chứa nước để tiến hành điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất.
Thiết kế và thi công các dạng công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất.
Đánh giá các nguồn nước dưới đất; xác định nguồn có khả năng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân tại các vùng khan hiếm, các vị trí khai thác nước.