Điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt các xã biên giới Việt – Lào

Tài nguyên nước có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việt Nam có 8/13 hệ thống sông lớn là sông có liên quan đến nước ngoài, trên 1.100 km đường biên giới là sông, suối mà nhân dân Việt Nam cùng nhân dân các nước láng giềng đang sử dụng chung cả dòng sông và nguồn nước.

Các dòng sông quốc tế của Việt Nam có phần diện tích lưu vực nằm ngoài lãnh thổ chiếm hơn 70% tổng diện tích lưu vực; các sông suối xuyên biên giới hàng năm chuyển vào nước ta khoảng trên 500 tỷ m3 bằng khoảng 60% tổng lượng nước của tất cả các hệ thống sông.

Biên giới Việt – Lào kéo dài từ Điện Biên (Ngã ba Trung Quốc – Việt – Lào) đến Kon Tum (Ngã ba Đông Dương Việt – Lào – Cămpuchia) với chiều dài hơn 1.650 km. Trong đó, chiều dài đường biên giới Việt Nam – Lào (từ Hà Tĩnh đến Kon Tum) là 954 km.

DL166

Hiện nay, việc khai thác, sử dụng dòng sông và nguồn nước của các sông, suối quốc tế của Việt Nam đặc biệt là với CHDCNND Lào nhìn chung còn hạn chế tuy nhiên thực tế cũng cho thấy những khó khăn, bất cập về tình trạng thiếu thông tin số liệu về thủy văn và tài nguyên nước, chưa nắm được về tình hình khai thác sử dụng đặc biệt là phần lãnh thổ của Lào; cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu; việc triển khai thực hiện chiến lược tài nguyên nước còn chậm và lúng túng; chưa có cơ chế hợp tác và thích ứng với các vấn đề có thể phát sinh trong tương lai gần khi nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước của mỗi quốc gia gia tăng…

Điều tra, đánh giá tài nguyên nước các sông biên giới nhằm tăng cường cơ sở dữ liệu thông tin tài nguyên nước quốc gia phục vụ xây dựng quy hoạch các lưu vực sông; rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển của từng ngành, địa phương liên quan tới việc sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Theo dõi biến động nguồn nước, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên ở thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế; nghiên cứu các mô hình hợp tác bảo vệ, khai thác sông quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng, bảo tồn tài nguyên nước; phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, giảm thiểu tác động tiêu cực do việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên các dòng sông quốc tế ở Việt Nam để đạt được sự đồng thuận, khung pháp lý và cơ chế phối hợp thực hiện các thỏa thuận quốc tế liên quan đến nguồn nước xuyên quốc gia là việc làm cần thiết./.