Hiện trạng phát triển Tài nguyên nước và những thách thức trong công tác quản lý và quy hoạch sông Srêpôk

Hiện trạng phát triển Tài nguyên nước:Sông Srêpôk là nguồn nước mặt quan trọng của 3 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông và Gia Lai. Lưu vực có tiềm năng đất nông nghiệp trên 500 ngàn ha, với cây trồng đa dạng như lúa, đậu đỗ được phát triển mạnh ở các vùng thấp như Lăk, Ea Súp- Ia Mơ…và các loại cây công nghiệp như cà fê, tiêu, ca cao…chiếm tỷ trọng  khá lớn trong cơ cấu cây trồng được phát triển ở vùng cao nguyên đất đỏ Bazan như Buôn Ma Thuột, Đăk Nông.

Dòng sông Srêpôk được hợp bởi nhiều con sông, suối nhỏ bắt nguồn và được nuôi dưỡng trong những cánh rừng đại ngàn nên dòng sông này có lưu lượng nước lớn, hệ sinh thái của sông cũng rất phong phú và đa dạng, tạo nên một nguồn lợi to lớn về thủy sản, du lịch và thủy lợi, thủy điện. Ở đây có các loài cá đặc sản như cá lăng và đặc biệt là cá Mõm Trâu, nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn tương đối hoang sơ như: thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H’linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh… là những điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch. Theo quy hoạch phát triển nguồn nước trên lưu vực dự kiến có 750 công trình thủy lợi các loại để tưới cho 186.000 ha, trong đó sẽ tập trung phát triển một số công trình lớn như hồ chứa  Krông Buk thượng, Krông  Buk hạ, Krông Pách thượng, Ia Mơ… và quy hoạch thủy điện dự kiến xây dựng 5 công trình thủy điện trên sông Krông Knô, Srepok như thủy điện Đức Xuyên, Buôn Tou Srah, Buôn Kốp,  Srêpôk 3, Srêpôk 4 có công suất 673 MW.

Cho đến nay trên lưu vực, đã xây dựng 5 công trình thủy điện lớn là Đray Hlinh, Buôn Tou Srah, Buôn Kốp, Srêpôk 3, Srêpôk 4 với tổng công suất đạt 613 MW, điện lượng năm 3,0 tỷ kwh và  529 công trình thủy lợi gồm 436 hồ chứa, 79 đập dâng, 14 trạm bơm để tưới cho: 70.000 ha cây trồng, cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư, đô thị và công nghiệp trên 49.000 m3/ngày đêm.

Những thách thức trong công tác quản lý và quy hoạch

Sông Serepôk là nguồn nước mặt quan trọng của 4 tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai. Tuy nhiên, dòng sông đang ngày càng trở nên hung dữ và hay thay đổi. Đây chính là hậu quả tất yếu của tình trạng phá rừng làm nương rẫy diễn ra lan tràn trên thượng nguồn và dọc hai bên bờ sông.

Hạn hán:  Việc khai thác quá mức dòng chảy của sông Serepôk và các chi lưu của nó cũng là điều làm nhiều người phải quan ngại đến hệ sinh thái mỏng manh của dòng sông. Dọc theo dòng sông, hiện tại đã có rất nhiều các công trình thủy điện mọc lên với mật độ dày như thủy điện Krông Kma (Krông Bông), thủy điện Buôn Kuôp (Krông Ana), Đray H’linh 1, Đray H’linh 2 (Cư Jút), Buôn Tou Srah (Lăk), Srepôk 3, Srepok 4  (Buôn Đôn)… 529 công trình thủy lợi đã được xây dựng để tưới cho 70 ngàn ha cây trồng, đặc biệt đã xuất hiện tự phát hàng ngàn giêng khoan khai thác nước ngầm tầng nông tưới cho trên 200 ngàn ha Cà fê trên lưu vực đã làm nguồn nước mặt trên các sông suối cạn kiệt có năm, diện tích hạn lên đến 76.365 ha mất trắng 59.851 ha chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày như Cà fê, thiệt hại ước tính 450 tỷ đồng (năm 2004).

CÁNH ĐỒNG TRỒNG BÔNG BỊ HẠN THIẾU NƯỚC

13122017_1

Ô nhiễm: Chất thải từ các khu công nghiệp Hòa Phú (Đắk Lắk), Tâm Thắng (Đắk Nông) được xây dựng ngay bên bờ sông cũng góp phần làm nguồn lợi thủy sản của dòng sông bị ảnh hưởng và ngày càng thêm cạn kiệt nhiều loài đang lâm vào tình trạng nguy cấp. Ngay trong thời điểm hiện tại, cá lăng và cá mõm trâu, những loài cá đặc sản của dòng sông khi xưa vốn rất dồi dào nay đã trở nên hiếm hoi…

Để giảm thiểu những tác hại tiêu cực trên lưu vực cần có các giải pháp, tuy nhiên trước măt đối với lưu vực Srepok cần: Quản lý lưu vực sông dựa theo tinh thần Nghị định 120/NĐ-CP của Chính phủ. Hoàn thiện tổ chức bộ máy Ủy ban lưu vực sông; xây dựng chiến lược và bảo vệ tài nguyên nước.