Hiện trạng cung cấp nước, các chương trình đã và đang triển khai trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn

Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện trên địa bàn của tỉnh Hà Giang từ năm 1999 đến nay đã xây dựng được hàng nghìn công trình phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao nguyên đá:

+ Xây dựng được 585 công trình cấp nước tập trung tự chảy;

+ Xây dựng  40.519 lu, bể chứa nước hộ gia đình;

+ 26 giếng đào Unicef có bơm tay;

+ 1 trạm khai thác NDD công suất 800m3/ngđ

+ 91 hồ chứa nước sinh hoạt.

Các công trình cung cấp nước tuy chưa giải quyết triệt để các tồn tại, nhưng có thể nhận thấy rằng Chương trình Mục tiêu Quốc gia có vai trò vị trí đặc biệt quan trọng đã giải quyết cơ bản vấn đề nước sạch và vệ sinh cho người nghèo, vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa; hạn chế thói quen du canh, du cư, ổn định để phát triển sản xuất.

Chương trình đóng góp đáng kể vào giải phóng phụ nữ và trẻ em khỏi công việc nặng nhọc và tốn nhiều thời gian, góp phần thực hiện bình đẳng giới và đảm bảo quyền trẻ em;

Ngoài ra, nhờ cấp nước sạch kết hợp với sử dụng nhà vệ sinh và thực hành vệ sinh cá nhân nên đã giảm chi phí chữa bệnh cho người bệnh, giảm rủi ro cho người nghèo và từ đó tạo điều kiện bước đầu nâng cao chất lượng nguồn lao động ở nông thôn, qua đó góp phần quan trọng vào công cuộc chống tái nghèo ở các vùng khó khăn.

Hiện nay, trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu sử dụng các giải pháp khai thác nước truyền thống như: hồ treo, giếng khoan, trạm cấp nước tập trung và đặc biệt gần đây, chương trình dự án KAWaTech đã phát triển công nghệ khai thác nước không tập trung trong các hang động và trên mặt phục vụ bơm và cung cấp nước khu vực cao nguyên đá Đồng Văn

sp37

Nhìn chung các công trình khai thác nước truyền thống thường chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng:

– Đối với hồ treo

+ Sức chứa hạn chế(~ 10.000 m³)

+ Hạn chế nguồn cung cấp vào mùa khô

+ Khả năng bốc hơi lớn và nhiều vấn đề về vệ sinh, môi trường

+ Đập dễ bị nứt, hỏng

+ Chi phí đầu tư cao

– Đối với giếng khoan

Có 23 lỗ khoan có lưu lượng từ 0,6 đến 14,23 l/s với tổng lưu lượng  là 9.173m3/ngđ. Đảm bảo nước sinh hoạt cho khoảng 100.000 người dân.

– Đối với trạm cấp nước ngầm tập trung

+ Khả năng cấp nước liên tục(~ 1.000  m³/ngđ)

+ Nguồn cung cấp ổn định vào mùa khô

+ Chất lượng nước tốt và rất ổn định.

+ Chi phí đầu tư không cao

Để thực hiện được giải pháp khai thác, sử dụng nguồn nước bền vững cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về nguồn nước. Những kết quả điều tra tài nguyên nước trên vùng cao nguyên đá mới chỉ là những tính toán ban đầu, nhiều số liệu điều tra cơ bản chưa nêu ra được các nguồn hình thành trữ lượng nước dưới đất, quy luật phân bố và vận động của nước ngầm khu vực phân bố karst, khả năng tăng trữ lượng khai thác và khai thác bền vững nguồn nước là như thế nào? Vì vậy cần có một nghiên cứu về việc khai thác và sử dụng bền vững nguồn nước tại các vùng núi cao karst Đông Bắc Việt Nam.