Ngày 24/10/2018, tại Trung tâm QH&ĐTTNNQG đã tổ chức Hội thảo kết quả thực hiện dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”. Tham dự buổi hội thảo có ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG – Chủ tịch Hội đồng. Tham dự Hội đồng còn có các chuyên gia, đại diện đến từ Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học tài nguyên nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam, Trường đại học Mỏ – Địa chất cùng các lãnh đạo của các đơn vị tham gia thực hiện đề án.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Vũ Thanh Tâm, Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế thay mặt nhóm thực hiện dự án báo cáo kết quả của dự án:
– Dự án đã thu thập và tổng hợp 533 tài liệu, báo cáo điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, các bản đồ địa chất thủy văn đã thành lập, các đề án, báo cáo thăm dò khai thác nước dưới đất;
– Thực hiện 68 lộ trình điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 các vùng chồng lấn, ghép nối của các tờ bản đồ địa chất thủy văn hoặc tài nguyên nước dưới đất đã có để hiệu chỉnh, ghép biên các tầng chứa nước thuộc các bản đồ địa chất thủy văn khác nhau;
– Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 theo 15 tuyến mặt cắt miền địa chất thủy văn để làm rõ cấu trúc địa chất -địa chất thủy văn và làm cơ sở thống nhất các tầng chứa nước theo vùng, miền và cả nước;
– Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho 11.000 km2 vùng Kon Tum – Nam Đông;
– Đánh giá lại tiềm năng dự báo và trữ lượng có thể khai thác của từng tầng chứa nước dưới đất cho từng tỉnh thành và tổng hợp cho toàn quốc trên cơ sở các kết quả đánh giá trước đây kết hợp các tài liệu hiện có;
– Phân tích, chỉnh lý tài liệu và biên hội, biên tập bộ bản đồ cho các tỉnh, thành phố và toàn quốc kèm theo báo cáo đánh giá tiềm năng nước dưới đất.
Bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất là sản phẩm của dự án đã mang lại những kết quả, lợi ích sau:
– Thống nhất theo hệ quy chiếu quốc gia VN-2000, do đó dễ dàng đưa vào đồng bộ với cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường hiện có của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 của các tỉnh thành trên toàn quốc thể hiện nhiều thông tin cụ thể, dễ hiểu hơn giúp các nhà quản lý, các đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng thuận lợi hơn so với các bản đồ địa chất thủy văn đã lập trước đây;
– Bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 toàn quốc là cơ sở thông tin dữ liệu cần thiết về tài nguyên nước dưới đất phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội khác nhau, phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước dưới đất, là căn cứ để quy hoạch phát triển kinh tế các vùng.
Sau khi nghe xong phần trình bày nhóm thực hiện đề án, các Phản biện và Ủy viên của Hội đồng cũng đã nêu lên những ý kiến đóng góp nhằm xây dựng và hoàn thiện đề án. Hội đồng đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của tập thể tác giả để có thể cho ra sản phẩm. Hội đồng đồng ý với kết quả của đề án, tuy nhiên cũng cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung cũng như thể thức, bố cục báo cáo tổng kết.
Ông Vũ Thanh Tâm thay mặt tập thể tác giả cảm ơn các ý kiến đóng góp của các Phản biện và Ủy viên hội đồng, nhóm thực hiện sẽ tiếp thu, chọn lọc, xem xét, sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện dự án.
Kết luận tại hội thảo, ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG – Chủ tịch hội đồng cho rằng, tập thể các tác giả, tổ thực hiện dự án “Biên hội – thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc” cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo tổng kết của dự án.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
(TTDLTNN)