Ngày 13 tháng 11 năm 2015, tại trụ sở, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã tổ chức Hội thảo kỹ thuật Dự án “Biên hội, thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc”. TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì Hội thảo.
Hội thảo tập trung thảo luận về phương pháp tính trữ lượng và cách thể hiện kết quả tính trên bản đồ tài nguyên nước dưới đất.
Thông qua Hội thảo, các chuyên gia đã thống nhất các nội dung sau:
Thứ nhất, bản đồ mô-đun dòng nguồn phải thể hiện được trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất của vùng. Đối với tỷ lệ 1:200.000, Dự án “Biên hội, thành lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:200.000 cho các tỉnh trên toàn quốc” ít nhất phải tính được thành phần trữ lượng động tự nhiên. Tuy nhiên, nếu Dự án có thể tính được các thành phần trữ lượng khác thì cũng nên đưa vào tính trữ lượng khai thác tiềm năng.
Thứ hai, phương pháp tính trữ lượng khai thác tiềm năng đối với từng vùng cụ thể phải dựa vào số liệu hiện có (điểm lộ, lỗ khoan địa chất thủy văn, đo dòng kiệt), trong đó tài liệu bơm hút thí nghiệm lỗ khoan có ý nghĩa cao nhất. Tuy nhiên, đối với các vùng mà tài liệu lỗ khoan thưa hoặc không đủ tin cậy cho phép tính trữ lượng thì có thể sử dụng tài liệu đo kiệt như Dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất 15 tỉnh miền núi phía Bắc” để thực hiện.
Thứ ba, đối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ, bản đồ mô-đun ngầm phải bao gồm cả hai thành phần trữ lượng tĩnh và động.
Thứ tư, đối với các vùng có từ hai tầng chứa nước trở lên có thể xem xét thể hiện bản đồ mô-đun dòng ngầm trên các bản đồ khác nhau cho từng tầng.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại Hội thảo, Ban Chủ nhiệm Dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự án.