Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ Tây của Biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100 km2 đất liền có 1km bờ biển). Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, biển đảo luôn gắn với quá trình xây dựng và phát triển của đất nước và con người Việt Nam.
Theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông (cả Biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, được phân bố khá đều theo chiều dài của bờ biển đất nước, với vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
Những năm gần đây, với những diễn biến phức tạp của tình hình tranh chấp biển đông, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến phát triển biển đảo, vừa là đảm bảo an toàn đánh bắt cho ngư dân, đảm bảo cuộc sống cho cư dân sinh sống trên các đảo, vừa là để đảm bảo an ninh quốc phòng. Một số chính sách quan trọng đã được Chính phủ ban hành như Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 2013/QĐ – TTg ngày 8 tháng 11 năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về việc bổ sung một số dự án vào “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”. Đây là tiền đề quan trọng để các Bộ, ngành và địa phương có biển đảo xây dựng những chương trình hành động cụ thể nhằm phát triển kinh tế biển đảo.
Tại bất kỳ vùng nào, địa phương nào, việc phát triển kinh tế luôn gắn liền với những nhu cầu về nguồn lực phát triển. Ngoài những nhu cầu về năng lượng, nguyên liệu, một trong những nhu cầu rất quan trọng là nhu cầu về nguồn nước. Nguồn nước có tỷ lệ nước ngọt cao, dồi dào chính là một yếu tố góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của vùng, địa phương.
Với các đảo, nhu cầu về nguồn nước, đặc biệt là nước ngọt càng trở lên cấp thiết, do sự khan hiếm của tất cả các nguồn chủ yếu như nước ngầm, nước mặt, nước mưa. Khả năng cung ứng nước ngọt từ đất liền cũng như việc áp dụng công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để có thể sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất là không khả thi do giới hạn về công suất và giá thành cao. Do đó, để xây dựng được các chương trình phát triển kinh tế, nhất thiết phải có số liệu đánh giá chính xác về chất lượng và trữ lượng nguồn nước tại các đảo.
Dự án được trủ chì bởi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện, cùng sự tham gia phối hợp của các cơ quan: Ủy ban Nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, Ủy Ban nhân dân; Ban chỉ huy quân sự các huyện, có đảo thực hiện trong dự án và các ban ngành khác có liên quan.
Mục tiêu của dự án là điều tra, đánh giá bổ sung tài nguyên nước của một số đảo và cụm đảo Việt Nam nhằm tạo điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế đảo, kết nối các đảo với đất liền và bảo vệ vững chắc vùng biển của Tổ quốc, trong đó mục tiêu cụ thể là đánh giá được chi tiết đặc điểm phân bố, trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững và bảo vệ tài nguyên nước ở một số đảo và cụm đảo Việt Nam, tạo lập các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất làm cơ sở xây dựng một số công trình cấp nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Trên cơ sở những tiêu chí của dự án, 4 đảo, cụm đảo lớn đã được lựa chọn để điều tra gồm: Cụm đảo Cô Tô và Vĩnh Thực, cụm đảo Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện đảo Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng và đảo Hòn Khoai thuộc tỉnh Cà Mau.
Dự án đã tiến hành điều tra hệ thống suối, hồ, đập chứa nước trên các đảo; lượng nước mưa, khả năng cung cấp, lưu trữ và bổ cập nhân tạo; các tầng chứa nước, cách nước chủ yếu; các điểm lộ, giếng đào; lớp phủ thực vật; các công trình khai thác và sử dụng nước dưới đất; các hoạt động ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất.
Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thực hiện là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia gặp không ít khó khăn do đảo cách xa đất liền, công tác vận chuyển thiết bị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan trong đó có yếu tố thời tiết, thiếu thốn nước sinh hoạt cho các tổ đội thi công v.v… Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành, cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiêm về vùng nghiên cứu và một số thiết bị nghiên cứu hiện đại hỗ trợ, dự án đã kết thúc thành công. Dự án mang sự ổn định cho người dân trên các đảo về mặt đời sống tinh thần, an tâm trong sinh hoạt, đoàn kết cùng với lực lượng an ninh, quốc phòng trên đảo nhằm mục đích bảo vệ bình yên vùng biển đảo của Tổ quốc. Kết quả của dự án đã đánh giá được số lượng, chất lượng tài nguyên nước ở các vùng điều tra, phát hiện những nơi nước có chất lượng xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng để khuyến cáo không nên sử dụng.
Kết quả của dự án là nguồn thông tin quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch. Những thông tin của dư án giúp cho việc định hướng các công tác nghiên cứu tiếp theo về tài nguyên nước trên, cung cấp cơ sở khoa học về nước dưới đất trong các tầng chứa nước, các nguồn nước mặt được quy hoạch, trên cơ sở đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp Chính quyền địa phương quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng trên các đảo.